Toàn bộ bài thơ, nếu diễn ra văn xuôi thì chỉ là kể chuyện, hay là một câu chuyện được kể bằng thơ, giản dị chất phác. Rằng Tôi, nhân vật trữ tình chủ thể - một người lính Cụ Hồ, trên đường công tác nơi miền núi cao, gần một ngày đường mới gặp một nhà dân ở bên đường. Dừng chân tạm nghỉ, cô gái chủ nhà đem rượu ra mời khách, như một mỹ tục thông thường hiếu khách của chủ nhà. Đó là lon rượu mừng xuân mời khách quý, để bộ đội đi đường xa đỡ mỏi. Cảm tấm lòng cô gái chủ nhà, khách uống một ngụm, một ngụm thôi, cảm ơn rồi tiếp tục lên đường.
Nếu như chỉ có vậy thì cũng chẳng có gì để nói thêm nữa, nhưng tới khi “Tôi trông màu rượu/ Tím màu hoa cà/ Lại nhìn đôi mắt/ Sáng tròn như hoa”… thì cái hiện thực dường như rất đỗi bình thường kia bỗng dưng muốn hát lên rồi. Lon rượu quê màu tím hoa cà, đó là màu hiện thực, không phải là thứ màu được thơ hóa lên đâu. Đó là thứ rượu nếp cẩm, nếp nương được ủ thành rượu, nên có màu tím hoa cà. Nó chỉ được thơ hóa ở khổ cuối bài thơ, để thăng hoa thành thứ màu của tình trai gái mộng mơ đẹp đẽ. Lại còn đôi mắt, đôi mắt “sáng tròn như hoa”, đầy ấn tượng. Đôi mắt biết nói cùng với màu rượu tím hoa cà đã hút hồn anh lính trẻ, nên chi: “Lên ngang dốc núi/ Chợt thấy mình say”… Và anh lính bỗng như biến thành thi nhân, bất chợt thốt lên những lời có cánh: “Người ơi hoa tím/ đầy rừng hoa bay!”... Thế nghĩa là chất men ngây ngất của lon rượu màu tím hoa cà kia, cùng với đôi mắt sáng tròn như hoa của cô gái trẻ đẹp miền sơn cước, đã tự nhiên, hồn nhiên thấm dần vào hồn thi nhân, làm say đắm tâm hồn thi nhân, khiến trời đất cũng như sáng bừng lên một màu hoa tím. Cái hồn cốt của bài thơ tập trung ở khổ cuối bài thơ, rực rỡ một màu yêu thánh thiện, khiến ta sửng sốt, bất ngờ. Yếu tố thực (rượu ngấm rồi ngật ngà say) và yếu tố ảo, ảo giác trong men say hòa quyện tự nhiên, tạo nên một vẻ đẹp sáng trong.
Ngang dốc núi hay ở tứ và cách lập tứ. Một tứ thơ nhỏ, sáng trong và ấm áp hơi xuân, ấm áp hồn người…