Có một thực tế là ở không ít cơ quan Nhà nước việc ra một quyết định nào đó vẫn phải qua quá nhiều tầng nấc. Và việc “xin ý kiến” dường như đang là một biện pháp “an toàn” nhất theo cơ chế "lãnh đạo tập thể” để ra một quyết định.
Tức là, khi cần ra quyết định đó, người đứng đầu phải hỏi ý kiến những đơn vị, cá nhân bên dưới. Và, chỉ cần một đơn vị cá nhân nào đó không đồng ý thì quyết định ấy khó mà ban hành được.
Như vậy, một cơ chế tưởng chừng là dân chủ, đã trở thành một cơ chế ai cũng có quyền quyết mà không ai chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Mà việc ”đẩy hết lên cấp trên” đang chứng tỏ hiệu quả trong công tác quản lý của không ít lĩnh vực đang có vấn đề.
Có nơi không đồng ý một dự án không phải vì không ủng hộ dự án, mà bởi dự án được trình từ một nơi khác mà nơi đó không được họ thích, hoặc ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Lúc này, nơi trình dự án (hay ra quyết định) muốn được việc thì phải quan hệ tốt với tất cả các ”bên” có liên quan.
Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm |
Điều đó sẽ làm tăng chi phí giao dịch, giảm hiệu quả của nền kinh tế. Vai trò của người lãnh đạo bị lu mờ, chỉ chấp thuận được những giải pháp mang tính thoả hiệp. Và hiển nhiên, những giải pháp thoả hiệp, làm hài lòng tất cả mọi người như vậy thường ít mang tính đột phá, sẽ dẫn đến tình trạng văn bản vừa ban hành đã phải sửa mà chẳng ai chịu trách nhiệm, cơ hội đầu tư ngay trước mắt mà ai cũng dửng dưng.
Ở đây, khi những chuyện như giá điện tăng bất thường, hàng giả tràn lan, qui hoạch xây dựng bị phá vỡ, tắc đường, ngập lụt ở đô thị cướp đi sinh mạng của người dân… thì phải chỉ đích danh trách nhiệm cơ quan chức năng làm nhiệm vụ canh cửa cho an toàn công cộng đã lơ là nhiệm vụ ấy hay vụ lợi từ quyền được nhà nước trao. Không thể khi xảy ra nhiều sự cố, lại biện minh rằng năng lực con người hay nguồn lực từ Nhà nước còn hạn chế?! Đáng quan ngại và nguy hiểm hơn là “đẩy ngược” việc lên cấp cao hơn.
15 năm trước, trong lần diện kiến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, cố Bộ trưởng cố vấn Singapore Lý Quang Diệu đã thẳng thắn nhắc rằng: “Cần mạnh dạn thay đổi những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy”. Vai trò của người đại diện hết sức quan trọng. Họ luôn phải là đầu tầu gương mẫu trong mọi tình huống hành xử. Mà trước hết, phải giải quyết được tính thiếu minh bạch của xã hội và của nền kinh tế. Đó là sự minh bạch trước người dân ở mọi góc độ. Trong đó, cần nhanh chóng chấm dứt đặc lợi (một dạng tham nhũng) của một số bộ phận khi họ biết trước được chính sách thực thi sắp tới, hoặc đặc lợi nhờ độc quyền chính sách, nhất là trong quy hoạch, dự án và nhân sự…
Nếu như những vụ việc cụ thể mà các cơ quan tham mưu không giải quyết nổi, lại đẩy lên Thủ tướng, thì khi đó, những cá nhân đứng đầu lĩnh vực ấy đã lỗi nhịp, đã không thể đảm đương nhiệm vụ của mình. Lúc này, người đứng đầu cần phải là người chịu trách nhiệm. Cao hơn, có thể phải là người đi tiên phong từ chức. Nói không quá lời, đây cũng là biện pháp giữ uy tín cho Đảng, bằng cách thay thế nhân sự Chính phủ có năng lực hơn.
Tìm cách đẩy công việc lên cho cấp cao hơn - Đấy là sự bất lực của cấp thực thi nhiệm vụ, là sự lỗi nhịp trong vận hành của bộ máy công quyền. Mà, lỗi nhịp là phải sửa!
Trong một Nhà nước Pháp quyền, tư cách của người đứng đầu ở mỗi lĩnh vực không phải chỉ ở tài năng mà còn ở chỗ họ sẵn sàng từ chức, rời bỏ vị trí lãnh đạo trong đảng và chính quyền bất cứ lúc nào khi thấy có dấu hiệu bị mất uy tín, bị dư luận chỉ trích - đó cũng chính là tư cách tối thiểu cần có của một người đảng viên từng tuyên thệ khi được kết nạp, không vì lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.