Triển khai Luật bảo vệ môi trường 2020: “Hạ tầng” đã sẵn sàng

Mai Chi| 01/01/2022 07:42

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 với rất nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quản lý, xử lý các vấn đề về môi trường.

Để Luật đi vào cuộc sống, Tổng cục Môi trường đã tập trung nguồn lực xây dựng, trình thẩm định, ban hành nhiều văn bản pháp luật đảm bảo chất lượng. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hành lang pháp lý vững chắc

Nhìn vào khối lượng văn bản Tổng cục Môi trường đã xây dựng, trình ban hành, có thể khẳng định, năm 2021, Tổng cục đã dồn mọi nguồn lực, dốc sức xây dựng các văn bản hướng dẫn chuẩn bị điều kiện triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cụ thể, ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng cục Môi trường đã trình Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ hồ sơ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Việc xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đảm bảo Luật Bảo vệ môi trường triển khai có hiệu quả chiếm rất nhiều thời gian, công sức bởi tính chất của Luật cũng như hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và liên quan đến nhiều luật khác. Để tránh sự chồng chéo trong quản lý, không gây khó cho các doanh nghiệp… có những Nghị định, Tổng cục Môi trường phải tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tiếp thu hàng trăm ý kiến để tìm ra được giải pháp tốt nhất. Đến nay, đã có 3 Nghị định, 1 Thông tư được ban hành. Đó là Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị. Phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Đề án tổng thể xây dựng, chuyển đổi hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và các quy định mới tại Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT (bao gồm 14 QCVN). Tập trung hoàn thiện Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp về nhà vệ sinh công cộng ở đô thị; Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Về phía địa phương, Luật quy định UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký bảo vệ môi trường của các dự án sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ buộc các địa phương phải kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ công chức cấp xã được giao công tác quản  lý... Chính quyền các cấp phải chuẩn bị sẵn các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để hướng dẫn người dân phân loại rác tại gia đình, sẵn sàng tiếp nhận các loại rác sau khi người dân phân loại...

Để tạo nền tảng vững chắc khi triển khai Luật, Tổng cục Môi trường cũng đã xây dựng, trình Bộ TN&MT để Bộ trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Đề án Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030.

Giải quyết cơ bản các vướng mắc, phản ánh về môi trường

Trong năm vừa qua, Tổng cục Môi trường đẩy mạnh quan trắc để quản lý chất lượng môi trường; tiếp tục duy trì 9 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông, nguồn nước mặt; 3 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm; 2 chương trình quan trắc tác động. Triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, đề án có liên quan.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ năm 2022, người dân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom. Ảnh: Hoàng Minh

Chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, đã có 370/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85% (tăng 3% so với cuối năm 2020); 35/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (trong đó có 24/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100%, chiếm tỷ lệ 48%). Môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn...

Bên cạnh đó, Tổng cục đã tiếp nhận và trả lời 216/216 ý kiến của công dân. Khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường. Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy, từ khi đi vào hoạt động (10/10/2017) đến hết tháng 6 năm 2021, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân 4.149 thông tin phản ánh về 3.918 vụ việc ô nhiễm môi trường. Đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại Trung ương và địa phương đã tiến hành xác minh đối với 3.843/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 98%); xử lý 3.675/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 93%); thực hiện phản hồi thông tin 3.328/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 85%).

Qua công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng, ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên; ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được nâng cao. Nếu như năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43% thì đến năm 2020, tỷ lệ này đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%; đến nay tỷ lệ vụ việc được xác minh đạt 98%, xử lý là 93%.

Với 171 điều, tập trung vào 12 nhóm chính sách, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đánh giá là một luật lớn, có tầm ảnh hưởng rộng. Vì vậy, việc triển khai tổ chức chắc chắn sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cần chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm lộ trình thực hiện một số nội dung theo đúng quy định của Luật.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống đường dây nóng phản ánh ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước, đặc biệt nhằm thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường các cấp trong việc xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường đang đề xuất Dự thảo “Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường". Quy chế này sẽ phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xác minh thông tin và xử lý vụ việc nhằm đảm bảo việc xác minh thông tin và xử lý vụ việc nhanh chóng, thống nhất và hiệu quả. Bên cạnh đó, mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện và thống nhất các phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Luật bảo vệ môi trường 2020: “Hạ tầng” đã sẵn sàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO