Tham dự cuộc họp, về phía Vương quốc Anh có các cán bộ liên quan Văn phòng Chủ tịch COP26; bà Elise Larkin, Trợ lý Cấp cao; bà Jess Prestidge, Cố vấn đặc biệt. Về phía Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam có ông Marcus Winsley, Đại biện lâm thời; ông Ron Bohlander, Tham tán về biến đổi khí hậu; bà Nguyễn Diệu Linh, Cán bộ biến đổi khí hậu.
Về phía Việt Nam có Phó Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Tô Minh Thu; lãnh đạo Bộ Công Thương; lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Biến đổi khí hậu, Văn phòng Bộ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Tại cuộc họp, ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 đã trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về những công việc việc triển khai sau hôm họp ngày 11/7, trong đó, có cam kết tại COP26; về kế hoạch cập nhật NDC của Việt Nam cũng như về nội dung Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam và đề nghị đưa ra những khó khăn để Vương Quốc Anh hay các đối tác quốc tế hỗ trợ.
Trao đổi với Chủ tịch COP26 Alok Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cập nhật một số thông tin kể từ lần họp trước: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số văn bản quan trọng nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26 gồm: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải; đang xem xét ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và nhiều văn bản quan trọng khác. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lộ trình thực hiện các cam kết này của Việt Nam được triển khai trên tất cả các lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là từ phía Việt Nam và cần có sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế theo những cam kết trước đây.
Về kế hoạch cập nhật NDC của Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở bản NDC cập nhật đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào tháng 9/2020, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và những cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đang chủ trì xây dựng NDC cập nhật năm 2022 dự kiến hoàn thành trước COP27.
Về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cũng như các văn bản liên quan, Bộ trưởng cho biết, đã có những đơn vị làm việc về JETP của Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Nhóm và phiên họp trực tuyến đầu tiên với phía Anh và EU để giới thiệu các thành viên liên quan đến công tác đàm phán của hai bên; trao đổi những ý kiến ban đầu về các dự thảo do phía Chủ tịch COP26 cung cấp; thảo luận các nội dung Việt Nam muốn tập trung và ưu tiên trong dự thảo Tuyên bố chính trị, cập nhật thông tin về Quy hoạch điện VIII và NDC của Việt Nam; trao đổi về lộ trình và kế hoạch triển khai tiếp theo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị với Chủ tịch Alok Sharma, JETP cần có cơ chế hoạt động kích hoạt được các hoạt động tài chính đa phương đã thống nhất trước đây để thực hiện các mục tiêu chung. Bộ trưởng lấy ví dụ, các quốc gia phát triển trên thế giới trước đây đã tuyên bố hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2022, để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, nhiệm vụ này đến nay, rất khó khả thi, do đó, JETP cần thể hiện được vai trò của mình để những cam kết tài chính trước đây và sau này được vận hành được xuyên suốt và bảo đảm. Bên cạnh đó, cần lãm rõ trách nhiệm cũng như khả năng thực hiện giảm phát thải khí nhà kính không thể để các quốc gia đang phát triển phải thực hiện như với các nước phát triển. Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh vấn đề tài chính, các quốc gia phát triển phải coi công nghệ như vắc-xin phòng chống Covid-19, phải chia sẻ công nghệ để các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận và thực hiện chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Chính phủ Việt Nam hết sức nghiêm túc với các cam kết của mình, tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức quan trọng và sẽ cần cân nhắc, thực hiện sao cho phù hợp và hài hòa với bối cảnh và tình hình trong nước vừa đảm bảo các mục tiêu đề ra tại COP26, vừa đảm bảo an sinh xã hội và an ninh năng lượng.
Tán thành các ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trên vai trò là Chủ tịch COP25, Chủ tịch Alok Sharma cho biết, sẽ thúc đẩy các bên liên của các nước phát triển tiếp tục chuyển giao công nghệ cũng như tài chính để các Việt Nam hoàn thành được cam kết mạnh mẽ tại COP26.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về tình hình thế giới sẽ ảnh hưởng tới khủng hoảng về năng lượng cũng như việc các nước chuẩn bị cho COP27, Chủ tịch Alok Sharma cho rằng, với những bất ổn về năng lượng trong thời gian qua, các quốc gia cần mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện chuyển đổi các nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lược sạch nhiều hơn. Việc này sẽ cần các nhà đầu tư đồng hành cùng chính phủ nhiều hơn nữa. Các quốc gia đã và đang triển khai các hoạt động bên lề COP27 để tìm các mục tiêu chung về tìm kiếm nguồn vốn, tài chính xanh cũng như các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu.