Thiếu công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đất đai vừa không tạo ra sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai dự án vừa là cơ hội cho tình trạng tham nhũng đất đai tăng mạnh. Câu chuyện này luôn nóng trên các diễn đàn, nhất là các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại với người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Một góc Dự án Kim chung – Di Trạch (Hoài Đức, TP. Hà Nội) bị 'bỏ hoang' hơn chục năm nay. Ảnh: Hoàng Minh |
Không riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, mà hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, vấn đề thu hồi hay công bố bãi bỏ quy hoạch là một trở ngại không dễ thực hiện. Sở, ngành đùn đẩy cho địa phương và ngược lại. Nhiều dự án vì thế nói là bỏ quy hoạch nhưng còn lâu người dân mới thực hiện được quyền lợi của mình trên mảnh đất mình đang sở hữu.
Kết quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội mới đây cho thấy, thành phố đang có tới 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Các dự án treo nằm cả ở nội và ngoại thành, khiến bộ mặt thành phố trở nên lộn xộn. Người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, tại huyện Quốc Oai có dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân chậm triển khai hơn 10 năm. Tại quận Tây Hồ, dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long kéo dài tới hơn 20 năm vẫn chưa xây dựng xong. Tại quận Hai Bà Trưng, dự án của Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà chậm tiến độ 17 năm. Tại quận Cầu Giấy, có dự án B9, C3 Khu đô thị Nam Trung Yên cũng chậm triển khai nhiều năm...
Còn tại TP.HCM, mới đây, UBND thành phố này ra văn bản khẩn yêu cầu các quận, huyện công bố rõ ràng 180 dự án có diện tích hơn 470ha đất đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2018 đến nay chưa triển khai thực hiện. Việc TP.HCM thu hồi 180 dự án là dựa vào kết quả rà soát hơn 2.800 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất cho thấy động thái tích cực của thành phố.
Tuy vậy, ngoài hàng trăm dự án trên, còn rất nhiều dự án khác chậm tiến độ kéo dài hàng chục năm. Người dân khốn khổ vẫn đang mong chờ được chính quyền công khai xóa dự án treo, trả lại cuộc sống an dân. Những tên dự án treo quen thuộc mà năm nào người dân cũng nhắc đến trong các cuộc tiếp xúc cử tri như: đô thị Sing - Việt, khu B, C, D thuộc khu Nam TP.HCM... Các khu vực khác có Safari Củ Chi, khu đô thị đại học Tây Bắc, dự án Bình Quới - Thanh Đa...
Nhiều quan chức dính đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công đã bị đưa ra xét xử. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng. Tuy vậy, làm sao danh sách những vụ án tham nhũng, những cán bộ tham nhũng đất đai không kéo dài thêm; làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân được tôn trọng; làm sao những quy định của pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống mới là điều cần suy nghĩ?!
Đất nước phát triển, chuyển mục đích sử dụng đất là nhu cầu rất lớn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự chuyển đổi ấy lâu nay vẫn chưa đúng, chưa mang lại hiệu quả. Vẫn còn nhiều nơi thu hồi xong bỏ hoang 5 - 7 năm chưa khai thác, chưa sử dụng.
Thực tế, với 1 ha đất nông nghiệp, chúng ta chỉ cần khoảng vài ba lao động, nhưng với 1 ha đất sử dụng cho mục đích công nghiệp, có thể huy động được tới hàng trăm lao động. Đây là một trong những lý do để các địa phương ‘nóng lòng’ muốn chuyển đất nông nghiệp thành đất công nghiệp để ‘lo’ công ăn việc làm cho người lao động địa phương nhằm tăng thu ngân sách.
Những góc khuất trong quá trình thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội. Dễ nhận thấy nhất là trục lợi, tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng, tội phạm từ đất đai. Đáng lo ngại hơn, việc quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch không tốt đã làm méo mó thị trường đất đai, nhà đất bị ‘làm giá’ khác xa giá trị thực... tình trạng xây dựng diễn ra lộn xộn, tùy tiện, vi phạm gia tăng.
Ở không ít dự án, sau khi thu hồi đất, người dân đã bị đẩy vào tình thế bấp bênh về sinh kế, mờ mịt về tương lai khi các yêu cầu về bảo đảm điều kiện tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới... không được thực hiện theo đúng quy định.
Phải là người dân sống trong vùng quy hoạch treo mới thấm nỗi vất vả, thậm chí, cay đắng khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai là nơi ở của chính mình. Họ không thể mua bán, sang nhượng đã đành mà đôi khi cảm thấy mình như công dân 'hạng hai' ngay tại nơi sinh sống. Đất đai bị treo không làm được nhà ở hợp pháp, hộ khẩu thường trú làm cũng khó khăn; lắp đặt điện nước đôi khi cũng bị làm khó. Chuyện con cái học hành và thực hiện các quyền lợi nghĩa vụ công dân dường như bị hạn chế.
Điều đáng nói hơn, nhiều hộ dân bấy lâu nay sản xuất, canh tác ổn định, sống nhờ đất, khấm khá cũng nhờ đất nhưng quy hoạch triền miên khiến không thể tính toán căn cơ lâu dài. Đời sống của người dân vùng quy hoạch vì vậy luôn bất an, không ổn định và mỏi mòn chờ đợi.
Để phát triển đô thị, tạo ra quỹ đất ổn định để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá, các công trình phục vụ công ích, công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hợp lý, khoa học, có tầm nhìn luôn đặt ra cho việc quản trị nhà nước ở mỗi địa phương. Từ đó, giúp cho việc triển khai các dự án công trình sau này không bị vướng do giải phóng mặt bằng, trong đó, có việc ép giá đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, không chỉ vì lý do như vậy mà bỏ quên quyền lợi hợp pháp của người dân có đất.
Dự án dù có xóa treo hoặc vẫn duy trì cũng phải được công khai hàng năm để người dân biết, người dân giám sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người trong vùng dự án ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần kiên quyết thu hồi đối với các dự án mà chủ đầu tư 'chây ì', không hợp tác; nhận đất theo kiểu 'xí phần' rồi tìm cơ hội bán lại dự án.
'An cư mới lạc nghiệp' - điều mà người dân ai ai cũng mong muốn. Ràng ràng, vấn đề lúc này là các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm xắn tay cùng với người dân vùng dự án, giải quyết các nút thắt để khai phóng nguồn lực đất đai, không để đất bị hoang hóa, lãng phí.
Đừng để những tấc đất ‘chết yểu’ không chuyển hóa thành ‘tấc vàng’!