Thời hoàng kim của “ Vương quốc đỏ”
Theo nhiều "phu" gạch lâu năm tại đây kể lại, nghề sản xuất gạch, ngói, gốm đỏ tại huyện Mang Thít xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Những năm giữa thế kỷ 20, cả huyện chỉ có khoảng 40 lò hoạt động. Đến đầu thế kỷ 21, số lò tăng lên gần 2.300 lò, chủ yếu là sản xuất gạch. Riêng nghề gốm mới xuất hiện từ những năm 1983 và phát triển rầm rộ ở những năm 1997, mỗi năm cung ứng trên 50 triệu sản phẩm khác nhau sang nhiều quốc gia.
Thật không quá lời khi nói rằng, huyện Mang Thít là nơi có nhiều cơ sở sản xuất gạch, ngói, gốm đỏ nhất cả nước với trên 2.500 lò nung hoạt động ngày đêm. Nhiều nhất là các xã Chánh An, Nhơn Phú, Mỹ An, Hòa Tịnh… với hàng chục ngàn lao động có việc làm quanh năm. Nhiều hộ có của ăn, của để, xây dung nhà cửa tươm tất, lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn từ công việc khá vất vả có tên chung là “ phu gạch”.
Mang Thít vẫn còn những cơ sở sản xuất gạch truyền thống |
Ông Võ Tấn Thành, 60 tuổi nhưng có đến 42 năm làm phu gạch, ngụ xã Mỹ Phước nói với vẻ tiếc nuối: “Mấy mươi năm trước làng nghề này sung túc lắm, nhà nhà làm gạch, người người làm gạch, tàu xe ra vào liên tục để vận chuyển đi khắp nơi trên cả nước rồi xuất khẩu qua tận các nước lân cận như Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Sing-ga-po... vợ chồng tôi làm phu gạch mà nuôi 4 đứa con ăn học thành tài. Bây giờ...”. Nói đến đó ông chợt im lặng nhìn về những lò gạch đang tắt lửa với vẻ buồn rười rượi.
Theo ông Lê Văn Giỏi, chủ lò gạch tại kinh Thầy Cai, mỗi lò nung tùy thuộc kích thước, công suất, kết cấu sẽ có giá từ 50 đến 100 triệu đồng (thời điểm trước năm 1990). Thường mỗi cơ sở có từ 4 đến 10 lò nung phụ thuộc khả năng tài chính của gia đình. Mỗi lò lại có từ 4 đến 6 lao động thường xuyên. Vào các đợt cao điểm sẽ huy động thêm lao động thời vụ. Với tiến độ mua bán thuận lợi, mỗi cơ sở có lãi vài trăm triệu mỗi tháng là chuyện rất bình thường. Từ đó cũng đã có nhiều cơ sở vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập. Những lò nung cháy đỏ quanh năm; hàng ngàn ống khói xả khói ngày đêm lên không trung. Nhiều du khách nói vui, cứ đến TP Vĩnh Long là đã thấy những cột khói cao nghều nghện hướng lên trời cao. Đó là tín hiệu đã đến “vương quốc đỏ” Mang Thít.
Còn ông Võ Văn Tám, ngụ xã Mỹ Phước cho biết, hơn 50% lao động nam nữ xã này đều làm phu gạch, chỉ trừ những hộ có nhiều ruộng, vườn sản xuất. Nghề này tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn nhiều so với một số nghề lao động phổ thông khác. Quan trọng là dẻo dai, sức khỏe tốt.
Lao đao làng nghề Mang Thít
Những năm trước đây, khi nhà nước có chủ trương hạn chế sử dụng gạch nung lửa ( tạm gọi là phương pháp thủ công truyền thống), nhất là các công trình xây dựng thuộc nhà nước đầu tư, “vương quốc đỏ” đứng trước nguy cơ phá sản bởi cung nhiều nhưng cầu ít. Nhiều công trình qui mô lớn đã chuyển sang sử dụng gạch không nung, đồng nghĩa hàng ngàn lò nung gạch, ngói, gốm đỏ phải đóng cửa hay sản xuất cầm chừng, chủ yếu phục vụ cho các công trình nhỏ lẻ, dân dụng. Nhiều chủ cơ sở bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không có điều kiện để trả nợ ngân hàng, phải bán rẻ cơ sở để giải quyết nợ.
Ông Trần Hoàng Long, 72 tuổi, chủ cơ sở sản xuất tại xã Chánh An buồn bã nói: “Tôi có đến 10 lò nung, thấy công việc ăn nên làm ra nên vay ngân hàng thêm 5 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Bây giờ lâm cảnh nợ nần chồng chất, bán cơ sở thì tiếc và lỗ nặng, còn để lại thì lấy gì để trả nợ ngân hàng. Vậy là bán thôi. Giờ chưa biết phải sinh sống bằng nghề gì, mình đã sống chết với nghề nầy trên 50 năm rồi”, ông nói thật ngậm ngùi.
Không chỉ có chủ cơ sở lâm vào cảnh khốn đốn mà còn có hàng ngàn phu gạch cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn. Một số người phải rời quê mưu sinh tại các tỉnh miền Đông, một số khác tìm kiếm việc làm tạm bợ tại quê nhà với vô số công việc khác nhau. Ai cũng mong chờ thời hoàng kim sẽ trở lại với làng nghề Mang Thít có tự trăm năm.
Tín hiệu xanh nhưng chờ đến bao giờ?
Mới đây, các nhà chuyên môn cấp trung ương và tỉnh Vĩnh Long đã giới thiệu đề án “Di sản đương đại Mang Thít” với mục đích bảo tồn di tích kiến trúc lộ thiên quý hiếm với trên 1.500 lò gạch trên phạm vi 3.000 ha. Theo các nhà nghiên cứu, đây là kho báu cần được bảo tồn bởi lịch sử hìn thành, kiến tạo trên 100 năm. Đáng nói hơn di sản này còn là điểm giao thoa văn hóa – nghệ thuật giữa 3 dân tộc Khmer – Hoa – Kinh.
Nhìn từ mặt tích cực, khi đi vào hoạt động, đề án sẽ chuyển đổi công năng của 1.500 lò gạch trở thành những cảnh quan thiên nhiên lạ mắt, sáng tạo để thu hút du khách. Cũng từ đây, tình trạng ô nhiễm môi trường hàng trăm năm qua sẽ vĩnh viễn chấm dứt, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại chỗ. Dự kiến nguồn lãi thu về sẽ là 1.500 tỷ đồng/năm từ nguồn du lịch với du khách trong và ngoài nước, một con số rất ấn tượng và có ý nghĩa ở huyện Mang Thít.
Tuy nvậy, vẫn còn nhiều nỗi trăn trở về việc tái định cư tại chỗ, gắn với giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động còn rất nhiêu khê, tốn kém kinh phí.
Ông Hà Văn Đức, chủ lò gạch xã Hòa Tịnh băn khoăn nói: “Chúng tôi đang nợ ngân hàng với số tiền rất lớn, muốn chuyển đổi công năng, chính quyền cần hỗ trợ chúng tôi thanh toán dứt điểm với ngân hàng. Cạnh đó, cần tuyên truyền cụ thể hơn thế nào là di sản đương đại? Khi chủ lò gạch và phu gạch tham gia thì sẽ hưởng những quyền lợi gì? Đề án phải nêu cụ thể tiến trình thực hiện, không để thành đề án “treo” thì thiệt hại sẽ nhân đôi”.
Bao giờ đề án trên được tiến hành, thực hiện bằng cách nào, thành phần hưởng lợi ra sao vẫn là câu hỏi vẫn đang chờ lời đáp và chưa có một thông tin chính thức, cụ thể nào từ các cơ quan có thẩm quyền trả lời. Đồng nghĩa là những ai đã từng sống, lao động, gắn bó với những làng nghề nầy vẫn phải đợi chờ.