1. Trong chuyến đi này, ngoài tôi là phóng viên thường trú tại miền Trung đã từng có dịp đến huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, 3 đồng nghiệp còn lại là lần đầu tiên. Đầu tháng 4, nắng ở Lý Sơn đã gắt. Vừa đặt chân xuống cảng Lý Sơn, nhà báo Việt Hùng - trưởng đoàn đã yêu cầu chúng tôi nhanh chóng sắp xếp hành lý rồi thuê 2 chiếc xe máy đi vòng quanh đảo thực tế. Lần đầu đến với đảo, đồng nghiệp của tôi bảo Lý Sơn rất đẹp nhưng lộn xộn và nhiều rác. Trên bờ kè, dưới mặt nước, các loại rác thải nhựa như chai lọ, túi ni lông, ngư lưới cụ của ngư dân hay các vật dụng gia đình nổi lềnh bềnh theo con sóng rồi tấp vào bờ. Người dân trên đảo cho biết, theo thói quen, nhiều người vẫn tiện tay đổ thẳng rác xuống biển dù đã có những điểm thu gom nhất định.
Hiện, ở đảo vẫn có một nhà máy xử lý rác với công suất 50 tấn/ngày, thế nhưng, áp lực rác thải của hơn 2,2 vạn dân và lượng khách du lịch “khổng lồ” khiến hòn đảo đẹp hoang sơ như Lý Sơn đang ngập trong rác.
Ở Lý Sơn có đảo Lớn và đảo Bé. Đảo Lớn đông người, nhà cửa san sát; còn đảo Bé (hay còn gọi là xã đảo An Bình) chỉ rộng chưa đầy 1km2, với gần 100 hộ dân sinh sống. Từ năm 2017, Huyện ủy Lý Sơn đã lên kế hoạch thực hiện thí điểm không dùng túi ni lông tại đảo Bé, trên cơ sở này sẽ nhân rộng với mong muốn hòn đảo “tiền tiêu” sẽ trở thành điểm du lịch xanh. Vậy mà, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây cũng không khá hơn đảo Lớn là bao nhiêu. Giữa xanh thẳm nước biển, bãi cát vàng vẫn lởn vởn bao ni lông, chai nhựa lăn lóc mé bờ, dập dềnh mặt nước...
Thực tế, những gì cảm nhận và tìm hiểu về thực trạng quản lý rác thải ở Lý Sơn hoàn toàn khác với kịch bản nội dung về một hòn đảo xanh mà Ban Biên tập đã thông qua trước chuyến đi khiến cả đoàn hết sức lo lắng. Điều may mắn nhất ở Lý Sơn là chúng tôi được gặp ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam - người đã dành bao tâm huyết vì môi trường để gìn giữ di sản Cù Lao Chàm được như ngày hôm nay. Một cuộc gặp tình cờ nhưng lại đong đầy cảm xúc, câu chuyện xoay quanh chiếc túi ni lông giữa nhóm phóng viên chúng tôi với ông Nguyễn Sự kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Chúng tôi ấn tượng với câu nói của ông Sự: “Để Cù Lao Chàm “nói không với túi ni lông” phải giải quyết từ con người. Những kế hoạch mà mình đặt ra, nhất là những kế hoạch ấy phải mang lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn”.
2. Mang theo câu chuyện của người đứng đầu Thành ủy Hội An một thời, chúng tôi đến với Cù Lao Chàm - một đảo nhỏ trong quần thể xã đảo Tân Hiệp. Mặc dù, đã nghe rất nhiều về hòn đảo “Nói không với túi ni lông”, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên và thán phục “sạch đến kỳ lạ” ở Cù Lao Chàm.
- “Làm gì có bao ni lông mà cho hả con? Ai dùng mà bị bắt gặp là phạt 500 ngàn liền”. Đó là câu nói chúng tôi nhận được ngay khi hỏi người bán bánh dọc bãi Ông, Cù Lao Chàm. “Nói không với túi ni lông” tưởng chừng chỉ là câu khẩu hiệu in trên những tấm bảng cổ động, nhưng lại in sâu vào trong nhận thức của từng người dân ở đảo. Đi một vòng quanh chợ Tân Hiệp, từ cô bán cá đến chị bán rau đều có sẵn những chiếc túi giấy, túi lát… đủ kích cỡ. Tất cả đều là sản phẩm dễ phân hủy. “Mua rau củ dùng túi lưới này. Mua đồ khô như hành tỏi dùng túi giấy. Mua cá thịt dùng túi lưới hay túi lát đều được. Ban đầu, cũng thấy bất tiện nhưng thấy đảo mình sạch hơn, khách đến đông hơn nên chúng tôi vui mà quên đi sự bất tiện kia. Bây giờ, dùng túi ni lông thấy kỳ lắm” - bà Trần Thị Già - chủ một sạp rau củ tại chợ Tân Hiệp giới thiệu với chúng tôi.
Để lý giải cho cách mà người dân ở đây bảo vệ môi trường sống của mình bằng cả tấm lòng, chúng tôi đã gặp gỡ và phỏng vấn rất nhiều người từ những vị cao niên ở làng như ông Trần Ngọc Khuyến (nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Cấm nay là thôn Bãi Ông), ông Huỳnh Anh đến những cán bộ đương nhiệm như ông Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hiệp hay Phó Chủ tịch xã đảo Tân Hiệp - Mai Quốc Bảo. Để rồi câu trả lời mà chúng tôi nhận được chính là những quyết sách đúng đắn, sâu sát của chính quyền và sự đồng thuận của cư dân trên đảo đã và đang làm nên một Cù Lao Chàm ngày càng xanh, sạch đẹp hơn, xứng đáng là “hòn ngọc” của biển Đông.
3. Từ Lý Sơn đến Cù Lao Chàm là bức tranh với những gam màu sáng tối trong câu chuyện xử lý rác thải. Nếu như Lý Sơn vẫn bộn bề những khó khăn trong xử lý rác thải nói chung, Cù Lao Chàm đã là hòn đảo duy nhất trên đất nước Việt Nam “nói không với túi ni lông” hơn một thập kỷ nay. Sẽ là khập khiễng khi áp mô hình Cù Lao Chàm lên Lý Sơn, Côn Đảo, Cô Tô... hay bất kỳ hòn đảo nào ở Việt Nam, song những gì mà Cù Lao Chàm đang có, cần được xem là những bài học kinh nghiệm để chúng ta gìn giữ, bảo vệ những “hòn ngọc” kỳ vĩ của thiên nhiên. Đó là mong mỏi, kỳ vọng của chúng tôi khi thực hiện loạt bài 3 kỳ “Tìm lời giải cho bài toán xử lý rác nơi đảo xa” sau chuyến thực tế tại Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Và điều vui mừng, sau khi loạt bài được đăng báo, một cán bộ Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng đã chia sẻ, bài học từ thực tiễn ở Cù Lao Chàm trong loạt bài của Báo đã giúp họ nhận thấy vận động nâng cao ý thức cộng đồng và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường cần có quyết tâm cao từ các cấp chính quyền, thuyết phục người dân thấy lợi từ việc gìn giữ môi trường trong việc phát triển du lịch.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, tôi đã nói với đồng nghiệp rằng, đi tuyến đảo miền Trung lần này ai cũng có “đặc sản” mang về. Lúc đầu, không ai hiểu điều tôi muốn nói là gì, song đi rồi mới biết. “Đặc sản” ở đây không chỉ là hải trình đầy những trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa biển đảo, những trăn trở, nghĩ suy về công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương ven biển miền Trung, đó còn là màu da đỏ ửng, sạm đi vì nắng gió biển theo đoàn về Hà Nội. Nhưng tôi biết, gian khó, vất vả sẽ chỉ là những kỷ niệm đẹp trong nghề báo để chúng luôn có ý thức tôn trọng sự thật và chân thật với nghề, với người và với đời.