Trà hoa vàng… cây làm giàu ở Ba Chẽ
Trà hoa vàng, từ một loại cây mọc hoang tự nhiên ở vùng núi huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành cây làm giàu của người dân nơi đây. Với nhiều cây trồng khác, chỉ có thể thu lá hoặc quả, nhưng với trà hoa vàng thì từ lá, búp non và hoa trà đều có công dụng dược tính cao, nên có giá lên đến trên mười triệu đồng/kg.
Biến khó khăn, thành lợi thế
Ba Chẽ là một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc phát kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện còn nhiều khó khăn. Việc nuôi con gì và trồng cây gì để người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu là một câu hỏi không dễ trả lời đối với lãnh đạo nơi đây.
Tuy nhiên, những năm gần đây bài toán phát triển kinh tế từ rừng và cây dược liệu đã từng bước khai mở, giúp người dân nơi từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Vi Thành Vinh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Ba Chẽ cho biết, Ba Chẽ diện tích đa số là vùng đồi núi cao, nhưng thổ nhưỡng lại rất thích hợp để phát triển cây dược liệu như cây ba kích, đặc biệt là trà hoa vàng, một loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Hiện trà hoa vàng được trồng chủ yếu ở xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông, nơi chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống.
“Đây là một lợi thế rất lớn của Ba Chẽ, nên những năm gần đây huyện đã không ngừng mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng với khoảng 160ha, trong đó 100ha đã cho thu hoạch. Đến nay, Ba Chẽ đã triển khai khoảng 10 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ và được cấp mã vùng trồng trà. Nghề trồng cây dược liệu quý này không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu trên đất khó mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có là nền tảng để Ba Chẽ phát triển cả dịch vụ du lịch” – ông Vinh cho biết.
Ông Vinh cho biết thêm, hiện vùng trồng trà hoa vàng ở Ba Chẽ đã được quy hoạch, huyện đang hướng dẫn bà con trồng thêm và duy trì diện tích trồng trà hữu cơ hiện có. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát các hộ gia đình có diện tích trà lớn để liên kết với các doanh nghiệp, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để kiến nghị cấp thêm diện tích vùng trồng an toàn cho Ba Chẽ. Mặt khác phối hợp, hỗ trợ người dân hoàn thành các thủ tục công nhận sản phẩm OCOP đối với những vùng mới và duy trì chất lượng và thương hiệu OCOP trà hoa vàng đối với những vùng đã được chứng nhận.
Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích trồng, huyện rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh) nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu...
Đồng thời, huyện Ba Chẽ đã kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Nhờ đó, huyện đã thu hút được các doanh nghiệp vào xây dựng dự án, quy hoạch chi tiết, dự kiến sẽ nâng cấp công nghệ chế biến cây trà hoa vàng sau thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường, hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế.
Ông Khiếu Anh Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: "Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ba Chẽ sẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã lập quy hoạch vùng trồng các cây dược liệu có tiềm năng, giá trị của địa phương như trà hoa vàng và cây ba kích. Hiện toàn huyện Ba Chẽ có 300ha cây dược liệu trong đó có khoảng 160ha trà hoa vàng".
Những nông dân dám nghĩ, dám làm
Sở hữu 2,5ha trà hoa vàng, 2/3 diện tích vườn trà có tuổi đời từ 7-10 năm, đang độ cho hoa đẹp và chất lượng nhất, hộ chị Phòong Thị Dân, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn đang là hộ có diện tích trà hoa vàng lớn và là mô hình mẫu ở Thanh Sơn.
Chị Dân cho biết, vụ thu hoạch trà hoa vàng bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến tháng 3 năm sau. Khoảng thời gian từ 6 – 8 giờ sáng là thời điểm vàng trong ngày để ngắt được những nụ trà chất lượng, bán được giá cao.
"Để hái được hoa loại 1 thì phải đi từ sớm, đến muộn ong châm trích thì sẽ bị dập. Vào mùa chính vụ thì phải hái cả đêm. Những bông hơi bung cánh thì mới thu hoạch, còn là nụ thì chưa hái vì lúc này dược tính trong nụ hoa chưa cao, giá trị không cao. Những ngày đầu mùa thì chỉ hái được từ 5-6 kg hoa tươi/ngày, còn vụ chính thì khoảng 20 kg/ngày. Giá trà hoa vàng dao động từ 1 – 3 triệu đồng/kg tươi, 10 – 15 triệu đồng/kg khô, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu về khoảng 500 triệu đồng” – chị Dân cho biết.
Ông Phạm Thế Hiền – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, thời điểm này đang trong vụ thu hoạch, trung bình mỗi hộ dân trồng trà hoa vàng mỗi ngày hái được khoảng 8 đến 10kg. Số lượng sẽ tăng dần vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán.
"Do khan hiếm trà hoa vàng thời điểm gần Tết Nguyên đán nên thương lái túc trực ở vườn để mua luôn sau khi người dân hái xong. Bình quân mỗi hộ trồng trà hoa vàng thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ngày, những hộ gia dân trồng nhiều và phải thuê nhân công thì sẽ thu nhập nhiều hơn" – ông Hiền nói.
Cũng như chị Dân, anh Nịnh Văn Chắn ở thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) là một trong những người trồng trà hoa vàng sớm nhất ở Đạp Thanh. Anh Chắn cho biết, anh nghe các cụ kể lại, từ những năm chiến tranh, người Pháp họ đã tìm và sử dụng loại trà này như một loại “thần dược”. Khi lớn lên, anh đã từng nhiều lần rong ruổi trên các cánh rừng để tìm trà hoa vàng hái về bán. Nhưng trà tự nhiên còn rất ít và thế là anh quyết định ươm mầm trồng trà.
Đầu năm 2009, Nịnh Văn Chắn bắt tay vào thực hiện dự án trồng rừng của mình với hành trang là 3.000m2 đất của gia đình chia cho và toàn bộ vốn liếng là tiền tích cóp của hai vợ chồng anh trong hơn chục năm qua cùng tiền vay ngân hàng.
Hàng nghìn cây trà hoa vàng đã được Chắn mua lại của những người dân đào được khi đi rừng đem về ươm trồng. Và cũng từ đây, người đàn ông dân tộc Sán Chỉ này lấy khu rừng là nhà, lấy gốc cây làm nơi ăn nghỉ, hàng ngày chăm bón với hy vọng chúng sẽ lớn nhanh, ra nụ và trổ hoa như mong đợi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, nên có tới 50% cây giống anh trồng bị chết. Thiệt hại, bất lực, chán nản, Chắn định bỏ cuộc…! Nhưng được vợ động viên, Chắn quyết thâm “thuần hóa” bằng được loại cây dược liệu quý này.
Năm 2013, sau 4 năm mất ăn mất ngủ, mày mò, cuối cùng hàng nghìn cây trà hoa vàng của vợ chồng anh đã có nụ. Nhìn những nụ hoa, bông hoa vàng óng như những thỏi vàng, trong ánh mắt anh Chắn và chị Nguyễn Thị Bảy - vợ anh léo lên những tia hy vọng về một ngày sẽ đổi đời. 15 kg hoa là kết quả của vụ hoa đầu tiên, số tiền bán hoa chẳng đáng là bao, nhưng vợ chồng anh vui lắm.
“Cứ như vậy số hoa trà thu hoạch năm sau cao hơn năm trước, năm 2014 thu hoạch 75 kg; năm 2015 thu hoạch hơn 1 tạ, chưa kể lá trà. Và hiện đồi trà của tôi đã hơn 2ha, mỗi năm mang về cho gia đình khoảng 500 triệu đồng” – anh Chắn cho biết.
Theo anh Chắn, giá hoa trà được anh bán 15 triệu đồng/kg; một hộp lá trà nhúng có giá 60 ngàn đồng/hộp và là trà khô để nguyên có giá 50 ngàn đồng/gói. Anh Chắn còn bật mí, ngoài thu nhập từ hoa trà, lá trà, anh còn ươm giống thành công 10 vạn cây trà giống và bán 25 ngàn đồng/cây. Nhẩm tính sơ qua một năm anh thu về từ những sản phẩm trà hoa vàng khoảng 700 – 800 triệu đồng.