Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa của người dân TP.HCM với nhiều món ăn đa dạng, phong phú, giá cả phải chăng. Đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch của TP.HCM.
Nhưng thức ăn đường phố là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao nhất bởi vẫn chưa thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất sơ sài, tạm bợ, quy trình chế biến không tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng không thể dẹp bỏ hình thức kinh doanh thực phẩm này mà phải làm sao kiểm soát được, đưa kinh doanh thức ăn đường phố vào quy củ, nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể.
Theo thống kê của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 20.013 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với trên 24.522 người tham gia kinh doanh. Trong năm 2018, các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra 15.193 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó có 6.245 cơ sở vi phạm bị nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính.
“Những người kinh doanh thức ăn đường phố đa số là những người nghèo, thu nhập thấp, do đó chúng tôi mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở và yêu cầu cải thiện. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng Nghị định 115 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì mức xử phạt đã tăng lên rất nhiều”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
Để cải thiện, nâng cao chất lượng thức ăn đường phố, trước mắt, Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với UBND quận 4, quận Tân Bình triển khai xây dựng mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm tại khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh (phường 8, phường 9, phường 10 – quận 4) và khu ăn uống tập trung trước chợ Phạm Văn Hai (phường 3 - quận Tân Bình).
Hai điểm này được Ban Quản lý An toàn thực phẩm hỗ trợ các giải pháp cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm; tập huấn cung cấp kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người trực tiếp chế biến tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm soát an toàn thực phẩm; hỗ trợ người kinh doanh tạp dề, khẩu trang, bao tay; yêu cầu tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm….
Song song với mô hình điểm này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện xây dựng các mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố như: Tuyến đường kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm; Khu phố ẩm thực kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm; Phường, xã điểm kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; Tuyến đường không kinh doanh thức ăn đường phố...