TP Thanh Hóa: Nhiều cơ sở tái chế dầu thải không phép, gây ô nhiễm

07/01/2018 14:06

(TN&MT) - Hai cơ sở tái chế dầu thải tại phường Đông Vệ và xã Đông Tân (TP Thanh Hóa) đều hoạt động không có giấy phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua. Đồng thời tái chế dầu thải thành dầu diesel không đảm bảo chất lượng.

Dầu nhờn thải từ các phương tiện ôtô, xe máy là một trong những chất thải công nghiệp độc hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Thế nhưng, vì lợi nhuận, một số người đã và đang thu gom loại nhớt này, sử dụng công nghệ tái chế thủ công “hô biến” thành dầu thương phẩm rồi tung ra thị trường, nếu không may sử dụng loại dầu này cho máy móc, thiết bị sẽ bị giảm tuổi thọ rất nhiều.

Nhận được thông tin phản ánh về thực trạng tái chế dầu thải thành dầu diesel trái phép, gây ô nhiễm môi trường sau nhiều giờ lòng vòng trong núi, chúng tôi mới tìm được cơ sở tái chế dầu thải của ông Nguyễn Kiên Thọ nằm ở chân núi Long, phường Đông Vệ và xưởng của hộ ông Trịnh Văn Hùng nằm sâu trong núi Thần, xã Đông Tân.
 

​ . ​Lò chưng cất dầu thô sơ tại xưởng của ông Nguyễn Kiên Thọ, bên trong mùi khét nồng nặc không thể đứng quá năm phút.
Lò chưng cất dầu thô sơ tại xưởng của ông Nguyễn Kiên Thọ, bên trong mùi khét nồng nặc không thể đứng quá năm phút.

Đại diện cơ sở cũng đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh, không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, không có nhãn hàng hóa. Dầu diesel thành phẩm được đóng vào các thùng phuy loại 200 lít rồi bán ra thị trường.

Hoạt động của hai cơ sở này không theo quy luật nào, cứ gom đủ dầu là đốt lò nấu, có khi họ nấu ban đêm, khi thì nấu ban ngày… Mỗi khi lò đốt, dầu thải sôi lên thì mùi khét rất khó chịu. Dầu sau khi nấu xong sẽ được đóng thùng phi chở đi tiêu thụ ở đâu không ai biết.

Hôm chúng tôi có mặt, toàn bộ cơ sở cảu ông Trịnh Văn Hùng im ắng, ngừng hoạt động tuy nhiên, phía trước sân đang bày tràn lan hàng chục thùng phi đựng dầu nhớt ngổn ngang. Trong số đó, có nhiều thùng phi chứa mỡ còn nguyên hoặc đã được khui ra sử dụng, nhiều thùng phi đựng nước vôi… Đây có thể là một số phụ gia dùng để chế biến dầu thải. Còn cơ sở tái chế dầu của ông Nguyễn Kiên Thọ, thì chưa tới xưởng, còn cách chừng 50 mét mùi khét, hôi đã bốc lên nồng nặc càng tới gần xưởng mùi càng nặng và khó chịu hơn. Hai xưởng tái chế dầu này đều nằm sâu trong núi, rất khó phát hiện.
 

Dầu sau khi chưng cất sẽ được đóng vào thung phi 200 lít rồi bán ra thị trường.
Dầu sau khi chưng cất sẽ được đóng vào thung phi 200 lít rồi bán ra thị trường.

Theo tìm hiểu, được biết: Quy trình chế biến dầu Diesel từ dầu nhờn thải, đã qua sử dụng ở đây như sau: Nhờn phế thải được cho vào thùng rồi nấu lên. Khi đạt đến nhiệt độ nhất định, nhờn bắt đầu loãng ra, các loại tạp chất và cặn bị chìm xuống đáy. Dầu loãng bốc hơi tràn vào ống dẫn, chạy vào một hệ thống làm mát rồi đổ vào bồn chứa. Những người thợ pha vào một loại hóa chất trông giống như xút, rồi thêm bột tạo màu theo ý muốn.

Để có đủ nguyên liệu cho hoạt động tái chế dầu Diesel, tất cả dầu nhờn thải khắp nơi trong tỉnh được thu gom hết. Có một đội quân chuyên đi thu gom. Họ dùng xe máy, gắn hai bên hai can nhựa loại lớn ở phía sau đi đến tất cả các xưởng sửa chữa, rửa xe ô tô xe máy để thu gom dầu nhớt đã qua sử dụng đưa về đây tái chế.

Anh Thức, chủ tiệm sửa xe máy ở phường Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa) cho biết: Hàng ngày có rất nhiều người tới đây, chào bán dầu nhớt với giá dưới 40.000 đồng/lít, nhưng tôi biết đây là dầu tái chế từ nhớt thải nên cương quyết không mua dù giá rẻ hơn dầu chính hãng rất nhiều. Nếu dùng nhớt tái chế, sau một thời gian các bộ phận của động cơ như sú páp, ly hợp, côn số… sẽ bị phá hỏng. Trường hợp xe gắn máy hư hỏng kiểu này, tiệm của anh đã gặp rất nhiều.

Được biết, quá trình vận hành, các bộ phận máy sinh ra rất nhiều các hạt nhỏ kim loại, muội các bon, tạp chất bụi bẩn. Do vậy, việc tái chế dầu nhớt thải bằng phương pháp thủ công, không qua kiểm định sẽ còn tồn dư nhiều hạt kim loại, tạp chất… Khi sử dụng, các loại động cơ, chi tiết máy sẽ nhanh bị hỏng. Đặc biệt, không ít loại nhớt thải sau khi tái chế được tung ra thị trường trong thành phần của chúng vẫn còn tồn dư lượng lớn a xít, lưu huỳnh và đây được xem là nguyên nhân chính gây bào mòn máy móc. Ngoài ra các lớp gioăng, đệm cao su có trong máy cũng sẽ bị trương nở, dẫn đến hư hại rất nhanh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết: Trước đây xưởng tái chế dầu của gia đình ông Nguyễn Kiên Thọ nằm trong khu dân cư, sau này chuyển ra chân núi Long. Phường cũng chưa lập biên bản xử lý lần nào, vì mỗi lần tổ chức kiểm tra, lò đều không nấu, không biết có tin báo trước hay không. Đây cũng là tồn tại trong báo cáo cuối năm của phường, vì xưởng tái chế dầu hoạt động không đảm bảo các tiêu chí môi trường và tiêu chuẩn chất lượng.

Liên hệ làm việc, lấy ý kiến về tình trạng tái chế dầu không phép, gây ô nhiễm trên địa bàn, ông Đỗ Hồng Kỳ- Chủ tịch UBND xã Đông Tân lại đẩy trách nhiệm cho Phó chủ tịch mặc dù ông Kỳ đang ngồi ngay phòng bên cạnh. Thế nhưng, liên lạc với Phó Chủ tịch xã, vị này cũng cáo bận họp cả ngày, không làm việc, yêu cầu PV liên hệ lại với Chủ tịch xã!?.

Để đảm bảo đời sống và tài sản cho người dân, rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ những cơ sở chế biến dầu thải gây ô nhiễm môi trường nơi đây./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Thanh Hóa: Nhiều cơ sở tái chế dầu thải không phép, gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO