Tài nguyên nước

TP.Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số trong quản lý nguồn nước

Nguyễn Thanh 08/08/2023 - 10:26

(TN&MT) - TP.HCM sẽ tích hợp các phương án, đề án, chương trình quản lý tài nguyên nước vào quy hoạch chung của thành phố; đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tập trung nhằm đưa tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 67% vào năm 2026.

Tích hợp công tác quản lý nguồn nước vào quy hoạch chung

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 41-CTrHĐ/TU ngày 7/6/2023 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị (Kết luận 36) về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

a1-1-.jpg
TP.HCM sẽ tích hợp công tác quản lý nguồn nước vào quy hoạch chung của thành phố.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc lập các phương án, đề án, kế hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước để tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố. Bảo đảm cấp nước ổn định cho sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt vùng ven biển Cần Giờ và xã đảo Thạnh An. Đồng thời, tập trung sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo khả năng kiểm soát mưa lớn, triều cường, chống lũ theo thiết kế.

Đến năm 2030, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng và sản lượng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn. Hoàn thành sửa chữa, đầu tư, nâng cấp công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước từ hồ chứa, hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp nước ổn định, an toàn cho người dân, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn kết hợp nâng cao năng lực kiểm soát lũ của các công trình. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước trên địa bàn thành phố.

Tại TP.HCM, tỷ lệ cơ sở công nghiệp xử lý nước thải đạt 97% với tổng lượng nước thải xử lý là 99%; tất cả bệnh viện đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động với đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát.

Đến năm 2045, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao tính chủ động tạo nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo, cảnh báo dài hạn để ứng phó, xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi. Hoàn thiện chính sách về nước được đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị lên 67%

Để triển khai hiệu quả Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước và bảo vệ an toàn vùng hạ du đập, hồ chứa nước.

Đồng thời, TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản về tài nguyên nước; nâng cao năng lực tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Đặc biệt, TP.HCM sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn vùng hạ du đập, hồ chứa nước.

a2-1-.jpg
TP.HCM sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 67% vào năm 2026

Phát biểu tại buổi làm việc của Bộ TN&MT với UBND TP.HCM về bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý TN&MT mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã đề nghị, thời gian tới, TP.HCM cần duy trì, đảm bảo chất lượng môi trường nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; giữ gìn hệ thống kênh, rạch nhằm đảm bảo quy luật thoát nước tự nhiên của đô thị đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, triều cường…

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, TP.HCM cần tăng tốc nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị bởi hiện nay tỷ lệ xử lý còn khá thấp. Trong đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; khi xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới, phải tách riêng hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt…

Cũng tại buổi làm việc trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ triển khai mọi giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong đó, thành phố sẽ dồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt để phấn đấu đến năm 2026 sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên 67%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số trong quản lý nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO