TP.HCM: Xây dựng, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai

Thanh Quỳnh| 12/01/2021 14:29

(TN&MT) - Công tác xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân và doanh nghiệp luôn được TP.HCM xác định là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt khi thành phố đang triển khai mô hình thành phố thông minh và chính quyền đô thị.

Liên thông dữ liệu đất đai

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, đến nay, công tác xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai đã từng bước đáp ứng được công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Sở TN&MT đã triển khai phần mềm Một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai (HCM.Lis) trong toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.

Phần mềm HCM.Lis đã được triển khai thí điểm tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Quận 1 và Quận 12, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sơ dữ liệu địa chính, chia sẻ thông tin đất đai cho các ngành có liên quan. Theo đó, phần mềm này đã khắc phục được những hạn chế và kế thừa phần mềm ViLIS trước đây, phù hợp với cấu trúc dữ liệu theo quy định của Bộ TN&MT, ứng dụng, khai thác các tiện ích cho người quản lý và người sử dụng.

Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đã triển khai đồng bộ mô hình liên thông thuế điện tử giữa Cơ quan TN&MT với Cơ quan Thuế. Mô hình này giảm thời gian, chi phí đi lại, người dân chỉ liên hệ nộp, thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả (trước đây mất nhiều thời gian, kinh phí đi lại, liên hệ nhiều cơ quan để thực hiện thủ tục).

Vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, các văn bản pháp lý liên quan đến công tác đo đạc chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, định mức kinh tế kỹ thuật đã thay đổi trong năm 2017 dẫn đến khối lượng và dự toán trong Luận chứng tổng thể được phê duyệt đã lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời, tình hình biến động đất đai trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh nên khối lượng biến động hiện nay đã vượt nhiều so với khối lượng công việc đã được ghi nhận trong Luận chứng tổng thể khảo sát năm 2015.

Từ cuối năm 2019, Sở TN&MT đã có Công văn gửi UBND TP.HCM về việc xin điều chỉnh thiết kế và dự toán Dự án. Theo chỉ đạo, Sở TN&MT họp Tổ công tác Dự án để rà soát, làm rõ các thay đổi do quy định pháp luật hiện hành, từ đó có ý kiến thống nhất về việc xin điều chỉnh và gia hạn quyết định phê duyệt dự án. Trong quý 2/2021, Sở TN&MT sẽ hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỉ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP.HCM.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng ở thành phố. Mục tiêu nhằm tạo sự liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, tạo thuận lợi cho việc quản lý đô thị của các Sở, ngành, quận huyện. 

Năm 2020, TP.HCM cấp mới 12.654 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tính đến nay, TP.HCM đã cấp 1.514.290 Giấy chứng nhận cho tổ chức, đạt tỷ lệ 92,35%; 1.562.200 Giấy chứng nhận cho cá nhân, đạt tỷ lệ 98,13%. Đặc biệt, năm 2020, TP.HCM đã thực hiện đăng ký biến động đất đai cho 483.872 Giấy chứng nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Xây dựng, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO