Thu gom 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt
Theo Sở TN&MT, mỗi ngày, TP.HCM phát sinh 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), hệ thống thu gom CTRSH tại nguồn gồm công lập và dân lập. Trong đó, hệ thống thu gom rác dân lập với 2.160 phương tiện thu gom (bao gồm xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế…) và khoảng 4.000 công nhân đang thu gom 60% khối lượng CTRSH của thành phố, chủ yếu thu gom tại các hộ gia đình trong hẻm, chung cư. Lực lượng thu gom rác dân lập là một bộ phận kết nối trong hệ thống thu gom rác tại nguồn từ hộ gia đình, chủ nguồn thải đến điểm hẹn, trạm trung chuyển trên địa bàn các quận, huyện.
Mặc dù thu gom đến 60 % tổng lượng rác CTRSH của thành phố nhưng quy mô hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập còn nhỏ lẻ, phân tán. Phương tiện thu gom còn khá thô sơ chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, phát tán mùi hôi, rơi vãi chất thải và rò rỉ nước rác trong quá trình thu gom làm ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Ở một số địa bàn vẫn còn tình trạng lực lượng thu gom, bỏ rác 2 - 3 ngày mới thu gom gây bức xúc cho người dân.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Ban đầu, lực lượng thu gom rác của thành phố là các đơn vị công ích, tuy nhiên vì không phủ kín được địa bàn nên mới hình thành nên một đội ngũ “thầm lặng” gom rác ở trong hẻm giao lại cho các đơn vị vận chuyển, lâu nay chúng ta quen gọi là lực lượng gom rác này là dân lập. Lực lượng này rất quan trọng trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH của thành phố. Tuy vậy, TP.HCM đang hướng tới đô thị văn minh, thì hoạt động thu gom rác dân lập cần phải đổi mới, thành phố không xóa bỏ mà tạo điều kiện để lực lượng này được phát triển, hoạt động hiệu quả hơn.
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sắp xếp lại lực lượng rác dân lập |
Ban hành các chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, UBND TP.HCM đã tập trung chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành, UBND 24 quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh công tác sắp xếp lại lực lượng rác dân lập và chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác. Tuy vậy, đến nay, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị thu gom rác dân lập diễn ra chậm, số lượng cơ sở vận chuyển rác chưa có tư cách pháp nhân còn nhiều; đặc biệt việc việc chuyển đổi, chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác đạt tỷ lệ dưới 20%.
Theo Báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM, trong 7 tháng năm 2020, các quận huyện tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập tại địa phương, vận động thêm 502 cơ sở vận chuyển thu gom rác dân lập vào các Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đến nay, tổng số đường dây thu gom rác dân lập đã được vận động là 2.366 đường dây, tỷ lệ chuyển đổi là 88,5% (tăng 18,8% so với thời điểm cuối năm 2019 là 69,7%).
Về chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác, trong 7 tháng đầu năm 2020, UBND 24 quận, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi thêm 163 phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH (gồm 45 thùng có dung tích 660 lít và 118 xe ô tô chở rác). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 3.465 phương tiện thu gom, vận chuyển không đạt chuẩn. Trong khi đó, nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới của 24 quận, huyện là 1.943 phương tiện (gồm 1.041 thùng dung tích 660 lít và 902 xe ô tô chở rác) với nhu cầu vốn vay Quỹ Bảo vệ môi trường khoảng 404 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM đã và đang nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ lực lượng rác dân lập phù hợp với điều kiện mới, mang tính bao quát, nhận được sự đồng tình của người dân và phải tạo ra bước đột phá trong công tác sắp xếp lại lực lượng quan trọng này. Đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND Thành phố kiến nghị chấp thuận chủ trương hỗ trợ cơ sở vật chất và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho các Hợp tác xã.
Ngoài ra, để giải quyết khó khăn trong công tác hỗ trợ tài chính cho dự án chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo đề xuất cụ thể việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố để thực hiện nội dung này.