Khổ vì chỗ để xe
Chuyển về sinh sống tại một chung cư ở phường 15, quận Gò Vấp (TP.HCM) gần 9 tháng nay, anh Đức Thành đã dồn hết số tiền tích cóp được và vay thêm người thân để mua ô tô. Có ô tô nhưng chung cư anh ở không có chỗ đậu, buộc anh phải ra gửi bên ngoài nhưng phải đi một đoạn đường khá xa. Bất tiện đủ đường, anh Đức Thành đã nghĩ đến việc bán căn hộ để tìm mua nơi khác có nhiều tiện ích hơn và quan trọng là phải có chỗ đậu ô tô.
Câu chuyện của anh Đức Thành không phải là trường hợp hiếm mà đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều chung cư tại TP.HCM. Điển hình như 1 dự án chung cư ở quận 7. Theo quảng cáo khi chào bán, tòa nhà có 3 tầng hầm để xe mỗi hộ gia đình sẽ có 1 chỗ để xe ô tô. Song, trên thực tế, chủ đầu tư đã dành hầm B1 làm chỗ để xe thương mại, hầm B2 và B3 dành cho cư dân nhưng không có chỗ để xe cố định.
Ghi nhận thực tế, rất nhiều chung cư tại TP.HCM được xây dựng với thiết kế diện tích bãi đỗ xe nhỏ, trong khi nhu cầu mua sắm ô tô của cư dân ngày một cao. Để hạn chế tình trạng phải để xe ngoài sảnh, khi chuyển về chung cư mới dù không có xe, nhưng nhiều cư dân vẫn chấp nhận bỏ tiền để đăng ký chỗ để xe, hay phải tham gia “bốc thăm” để mua chỗ để xe với giá hàng trăm triệu đồng.
Chị Thiên Thanh, một cư dân sống ở một chung cư tại quận 7 cho hay, khi nhận nhà cách đây hơn 1 năm, chị vẫn bỏ ra 1 triệu đồng/tháng để đăng ký chỗ để xe. Dự án chung cư hơn 500 căn hộ nhưng theo Ban quản lý chung cư, số lượng chỗ để xe ô tô không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ cư dân. Dù thấy lãng phí số tiền “xí chỗ” để xe ô tô, nhưng chị Thanh cảm thấy sáng suốt, bởi hiện tại, những người có nhu cầu gửi xe ô tô đều phải chờ vài tháng mới tới lượt.
Cần quy chuẩn phù hợp
Theo quy định của Bộ Xây dựng từ năm 2013, đối với chung cư nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe, kể cả đường nội bộ trong nhà để xe. Tuy vậy, với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều gia đình tối thiểu có một chiếc ô tô, quy định này của Bộ Xây dựng không thể đủ chỗ đỗ xe cho cư dân.
Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Luật Nhà ở năm 2014, vấn đề chỗ đỗ xe sẽ do chủ đầu tư và khách hàng thoả thuận vào hợp đồng mua bán. Nếu trường hợp chủ đầu tư không đủ chỗ cho cư dân thì sẽ tổ chức bốc thăm. Như vậy, theo Luật Nhà ở năm 2014 quy định chung cư không có trách nhiệm bố trí chỗ để xe cho người mua nhà tại chung cư trừ trường hợp có thỏa thuận chỗ để xe theo hợp đồng mua bán nhà với chủ sở hữu chung cư này.
Kỹ sư Nguyễn Quang, làm việc tại một Công ty xây dựng ở quận Gò Vấp cho biết, quy chuẩn xây dựng hiện nay tính từ 4 - 6 hộ mới có 1 chỗ để xe ô tô. Nếu làm đúng quy chuẩn này chủ đầu tư không sai nhưng chung cư không thể nào đáp ứng nhu cầu để xe cho người dân. Thế nhưng, để xây dựng một tầng hầm sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với tầng nổi nên phần lớn các chủ đầu tư đều chỉ xây dựng đúng chuẩn tầng nổi.
Để giải quyết vấn đề chỗ đậu xe ô tô trong các chung cư, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần làm tốt vấn đề quy hoạch, tránh quá tải hạ tầng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần sớm có chỉ đạo cụ thể các cơ quan có chức năng xây dựng lại quy chuẩn chỗ đỗ xe, tránh tình trạng "tích tụ" mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân như thời gian vừa qua.