TP.HCM tập trung chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Bài và ảnh: NGUYỄN QUỲNH| 12/11/2019 11:34

(TN&MT) - Theo kế hoạch, đến hết tháng 10/2019, TP.HCM sẽ hoàn thành chuyển đổi các phương tiện thu gom rác dân lập không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông. Tuy vậy, đến nay công việc này, chỉ mới hoàn thành 6% kế hoạch.

Tại Chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề "Công tác thu gom vận chuyển rác sinh hoạt tại các hộ gia đình trên địa bàn thành phố, thực trạng và giải pháp” vừa được HĐND TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để bàn về việc chuyển đổi các phương tiện thu gom rác.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, đến nay, thành phố mới chuyển đổi được trên 100/1.700 phương tiện thu gom rác dân lập, chỉ đạt 6%, trong khi thời hạn hoàn thành việc chuyển đổi là hết tháng 10/2019. Nguyên nhân chính là do kinh phí để chuyển đổi quá cao so với năng lực tài chính của các đơn vị thu gom rác dân lập, trong khi chính sách hỗ trợ của thành phố chưa đầy đủ và kịp thời.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận 4, hiện nay, với phương tiện thu gom rác của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận phù hợp với mẫu quy định của thành phố; còn các phương tiện thu gom rác của HTX Dịch vụ môi trường quận chủ yếu là xe thô sơ chưa phù hợp. Vừa qua, quận 4 đã làm việc với các đơn vị sản xuất xe chuyên dụng nhưng hiện nay các mẫu thiết kế phương tiện thu gom rác chưa phù hợp trên địa bàn. Do vậy, để thu gom rác trong các hẻm nhỏ, lực lượng thu gom rác sử dụng xe thùng đẩy tay loại 660 lít, nhưng do quận có đặc điểm hẻm nhỏ, mật độ dân cư đông, cự ly hẻm dài nên việc sử dụng xe đẩy tay này chưa phù hợp.

Một phương tiện thu gom rác dân lập không đảm bảo vệ sinh môi trường

Còn ông Lý Văn Hòa, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Bảo Tín (Hóc Môn) cho hay, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay chính là vấn đề chuyển đổi phương tiện. Vì vậy, HTX kiến nghị Thành phố cần có chính sách ưu đãi hơn khi vay vốn như: giảm vốn đối ứng ban đầu từ 30% xuống 20%; kéo dài thời gian cho vay từ 5 năm lên 6 - 7 năm; gia hạn thời gian chuyển đổi theo lộ trình phù hợp; cung cấp thêm vốn cho Quỹ Bảo vệ Môi trường thành phố để giải ngân nhanh. Đồng thời, cho thiết kế thí điểm các xe thu gom loại nhỏ, giá thành thấp, vào hẻm nhỏ xoay trở được

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Sở đã kiến nghị UBND thành phố cho phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021: 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất công tác này, với các nội dung như: tập trung hoàn tất việc sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập trong 1 năm để tránh việc đầu tư lãng phí nhiều thùng rác 660 lít dẫn đến không có chỗ để và đảm bảo hiệu quả đầu tư phương tiện; xác định số phương tiện cần chuyển đổi; triển khai chuyển đổi phương tiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn tất trong 1 năm tiếp theo. Giai đoạn 2022 - 2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn thành phố.

Sở TN&MT cũng được giao nhiệm vụ tham mưu UBND TP.HCM ban hành nội dung chỉ đạo UBND quận - huyện về triển khai đề án chuyển đổi phương tiện. Theo đó, Sở TN&MT sẽ ban hành quy định tiêu chuẩn kỹ thuật; còn mẫu xe cụ thể do quận, huyện quyết định để đưa ra mẫu phương tiện ở khu dân cư, không cứng nhắc về mẫu phương tiện. Đồng thời, UBND TP.HCM giao Sở Tài chính, Sở KH&ĐT phối hợp xem xét việc cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ Môi trường để đảm bảo đủ nguồn tiền cho vay chuyển đổi phương tiện. Hiện nay, thời gian cho vay nâng lên 7 năm thay vì 5 năm như trước đây; giá trị cho vay tới 70% giá trị; lãi suất 4,72%/năm.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở TN&MT tổ chức lấy ý kiến các Sở ngành có liên quan về các chính sách dự kiến hỗ trợ chuyển đổi hoạt động rác dân lập lên mô hình HTX, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Trong đó, giao Cục Thuế thành phố có ý kiến đề xuất về chính sách thuế đối với HTX; Sở GD&ĐT có ý kiến đề xuất về miễn, giảm học phí cho con của người trực tiếp thu gom rác. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Sở ngành, Sở TN&MT sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp các quận, huyện và HTX, doanh nghiệp thu gom rác, đại diện một số đường dây rác dân lập để hoàn thiện chính sách và trình UBND thành phố.

Hiện nay, khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.HCM khoảng trên 9.00 tấn/ngày; tất cả đều được thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn. TP.HCM hiện có 2 hệ thống thu gom rác là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố và 24 Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận, huyện; hệ thống tổ, đường dây thu gom rác dân lập. Về hệ thống vận chuyển, hiện có 20 quận, huyện đấu thầu vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố với trên 240 xe các loại, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận, huyện với 263 phương tiện, Hợp tác xã (HTX) công nông với trên 40 phương tiện vận chuyển.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM tập trung chuyển đổi phương tiện thu gom rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO