TP.HCM: Tăng tốc đầu tư nhà máy xử lý nước thải đô thị

Nguyễn Quỳnh| 24/08/2021 09:27

(TN&MT) - Nhằm nâng cao tỷ lệ và hướng tới 100% nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải với công suất xử lý khoảng 3 triệu m3 nước thải/ngày.

Gần 41.000 tỷ đồng đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị

Theo Sở TN&MT TP.HCM, sau 5 năm triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của người dân, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 có 2 chỉ tiêu không hoàn thành là: 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; giảm 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt.

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị của TP.HCM mới chỉ đạt 13,2% tổng lượng nước sinh hoạt. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) công suất 141.000 m3/ngày; Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) công suất 46.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (quận 12) công suất giai đoạn 1 là 131.000 m3/ngày.

Hiện tại, TP.HCM đang thi công Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy lên 469.000 m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa lên công suất  180.000 m3/ngày. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021, TP.HCM sẽ khởi công Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ xử lý 480.000 m3/ngày.

Ngoài ra, theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, hiện tại, TP.HCM đang đẩy nhanh kêu gọi nguồn vốn ODA và các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải khác. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn công suất 150.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày… Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ cần tổng nguồn vốn gần 41.000 tỷ đồng để hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát quỹ đất, cắm ranh mốc tại các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch, kết hợp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) giai đoạn 1 có công suất 141.000 m3/ngày

Từ năm 2022 thu phí thoát nước và xử lý nước thải

Tháng 6/2021, UBND TP.HCM đã chính thức ban hành Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp như sau: Năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25%, năm 2025 là 30%.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về phương thức thu, đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, căn cứ khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng, mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải nêu trên, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn tiền nước.

Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng Phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá thu không được thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Các hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Hiện người sử dụng nước trên địa bàn TP.HCM ngoài trả tiền mua nước sạch còn phải đóng 10% VAT và 10% phí bảo vệ môi trường (thu trên đơn giá nước sạch).

Nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ thu hộ; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lý khác theo quy định hiện hành.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc thành phố tiến hành thu phí thoát nước và xử lý nước thải là đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Trước đây, chi phí duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước được lấy hoàn toàn từ ngân sách. Do đó,việc thu phí này sẽ góp phần giảm gánh nặng ngân sách thành phố; đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA. Đặc biệt, việc phải trả tiền phí thoát nước và xử lý nước thải sẽ góp phần khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Tăng tốc đầu tư nhà máy xử lý nước thải đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO