TP.HCM sẽ có 6 thành phố trực thuộc
(TN&MT) - TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với sáu đô thị trực thuộc, gồm: TP Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo Quy hoạch, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM với diện tích đất liền 2.095 km² sẽ là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động và sáng tạo vào năm 2030. Thành phố cũng được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ hàng đầu Việt Nam, với nguồn nhân lực chất lượng cao và dẫn đầu về kinh tế xanh, kinh tế số và xã hội số. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ là một đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, trung tâm kinh tế, tài chính, và dịch vụ của châu Á, với kinh tế và văn hóa phát triển đặc sắc, đồng thời là cực tăng trưởng chủ lực của cả nước.
Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đặt trọng tâm vào việc phát triển các không gian mới như không gian ngầm, không gian nước và không gian số. TPHCM cũng sẽ khai thác không gian ngầm để phục vụ quy hoạch đô thị; đồng thời, phát triển các không gian số nhằm xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành. Không gian thành phố cũng sẽ được tổ chức theo hướng đa trung tâm, đa chức năng với các khu đô thị tri thức sáng tạo và công nghiệp - dịch vụ hiện đại. Cùng với đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm.
Cụ thể, TP.HCM sẽ có 6 đô thị trực thuộc, gồm TP Thủ Đức (đô thị loại I) và năm đô thị vệ tinh là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Các đô thị này sẽ dần được nâng cấp lên thành phố, với mỗi khu vực đảm nhận vai trò phát triển đặc thù. TP Thủ Đức sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, tài chính và logistics. Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh sẽ tập trung vào công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và logistics. Nhà Bè sẽ là đô thị sinh thái và dịch vụ logistics, trong khi Cần Giờ thì sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái biển, và năng lượng tái tạo.
Liên quan đến các khu vực động lực phát triển, quy hoạch đề xuất năm khu vực chủ chốt. Theo đó, Khu vực trung tâm TP, bao gồm: Quận 1 và các quận lân cận, sẽ tập trung vào dịch vụ thương mại, tài chính và du lịch. TP Thủ Đức được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ số, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ cao. Khu vực phía Nam (Quận 7 và Nhà Bè) tập trung phát triển đô thị sinh thái và logistics. Huyện Cần Giờ sẽ xây dựng khu thương mại tự do và cảng trung chuyển quốc tế gắn với kinh tế biển, trong khi Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh sẽ tập trung vào công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và đô thị sinh thái. Đến năm 2050, TP.HCM sẽ hoàn thiện mô hình đô thị đa trung tâm, tạo nên một thành phố hiện đại, đáng sống và bền vững, khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu châu Á và đóng vai trò hạt nhân trong sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước.