Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM phải gánh chịu áp lực rất lớn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trung bình 9.000 tấn rác mỗi ngày, vào dịp lễ con số này lên hơn 10.000 tấn, thậm chí những ngày gần Tết Nguyên đán có thể lên tới 12.000 tấn/ngày. Ước tính, mỗi năm, TP.HCM phải chi gần 2.000 tỷ đồng để thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, lượng rác thải nhựa hiện nay chiếm khoảng 10% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, có nghĩa là mỗi ngày trung bình khoảng 900 - 1.000 tấn. Lượng rác thải nhựa khổng lồ này đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Để chống rác thải nhựa thì việc đầu tiên cần được phân loại rác tại nguồn. Việc này đòi hỏi thực hiện ngay bước đầu từ hộ gia đình, dân cư, khu phố. Người dân cần chủ động hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải sinh hoạt. Trong đó, phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức phân loại rác tại nguồn và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại hộ gia đình và cộng đồng.
Để tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, ngày 14/11/2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, ngày 29/7/2019, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021.
Theo đó, từ ngày 01/8/2019 trở đi, các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố có kế hoạch cắt giảm các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị, không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế và tại các hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, UBND TP.HCM đã chỉ đạo việc tổ chức phát động phong trào Chống rác thải nhựa đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên các tổ chức đoàn thể, nhân dân thành phố về tác hại của rác thải nhựa đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người, thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết: Trong những năm qua, cùng chung tay với Thành phố, Hội LHPN Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, duy trì có hiệu quả 400 Câu lạc bộ “Phụ nữa tham gia bảo vệ môi trường” với 10.639 hội viên, là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế sử dụng túi ni lông. Hàng năm, Thành Hội đã chủ động và phối hợp với Sở TN&MT tổ chức tập huấn tại các quận, huyện cho cán bộ hội viên, tuyên truyền viên, thương nhân tại các chợ truyền thống chuyên đề về bảo vệ môi trường, xử lý, phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông, chống rác thải nhựa.
Đồng thời, tại các quận, huyện các cấp Hội hưởng ứng bằng nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức các hội thị, diễn tiểu phẩm, viết bài về cách làm hay hoặc mô hình tốt cần nhân rộng... với 313 cuộc tuyên truyền, thu hút 27.460 người tham gia. Ngoài ra, còn có các sự kiện được tổ chức thường niên gồm: Ngày phụ nữ vì cộng đồng, Ngày phụ nữ sáng tạo, phong trào “Gia đình trồng cây xanh”, công trình “300 tuyến đường, hẻm sạch”…
Cũng theo bà Trần Thị Phương Hoa, để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, trong tháng 4/2019, Hội LHPN Thành phố đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” cấp Thành phố với thông điệp “Phụ nữ TP.HCM nói không với rác thải nhựa”. Tại lễ phát động, đã giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa thay thế nhựa dùng một lần đến hội viên; tuyên truyền cộng đồng dần bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, dùng sản phẩm thay thế thân thiện môi trường.
Cùng với đó, phát động chương trình chia sẻ ảnh “Tôi đồng hành” trên Facebook nhằm giới thiệu những hình ảnh đẹp, hoạt động bảo vệ môi trường có tác động đến cộng đồng… Sau lễ phát động, Hội LHPN các quận huyện đã tổ chức nhiều hoạt động, như: đổi rác thải nhựa lấy túi thân thiện môi trường, phát động mang bình nước cá nhân, phân loại rác tại nguồn…
Trong thời gian tới, Hội LHPN TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp hội trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện phân loại rác tại nguồn, phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, bảo vệ môi trường.