Dù dời kế hoạch vận hành đến lần thứ 3, nhưng đến nay Bến xe Miền Đông mới chưa biết đến bao giờ mới được khai thác. |
Mỏi mòn chờ bến xe mới
Bến xe Miền Đông mới có tổng diện tích 16ha, được khởi công từ tháng 4/2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH một thành viên (Samco) được TP giao đầu tư xây dựng, tọa lạc trên phần đất của quận 9 và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Tính đến giữa tháng 10 này, các hạng mục đầu tư xây dựng Bến xe Miền Đông đã được Samco thực hiện xong giai đoạn 1, gồm: nhà ga bến xe, bãi xe chờ tài và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu. Các hạng mục công trình xây dựng đã được Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an TPHCM kiểm tra và đã có văn bản nghiệm thu công tác PCCC. Bên cạnh đó, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) đã kiểm tra công trình vào đầu tháng 7/2019 để nghiệm thu toàn bộ dự án và hiện đang chờ văn bản chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ghi nhận tại dự án cho thấy, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối bên ngoài khu vực bến xe hiện được triển khai rất chậm. Theo đó, các công trình từ QL1A đi vào cổng chính bến xe vẫn dở dang. Đường Hoàng Hữu Nam, tuyến giao thông chính kết nối từ bến xe ra trục đường D400 cũng trong tình trạng ngổn ngang, chưa được mở rộng, cỏ cây hai bên mọc um tùm. Đáng chú ý, hệ thống các công trình giao thông chủ lực tại Bến xe Miền Đông mới như các cầu vượt hai đầu bến xe, cầu bộ hành, công trình hầm chui dẫn vào tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên để hành khách tiếp cận thuận lợi với bến xe, cũng chưa được đầu tư xây dựng.
Một khó khăn khác tại công trình Bến xe Miền Đông mới, đó là hiện Sở GTVT, Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch - Đầu tư chưa có ý kiến về tính pháp lý đối với việc Samco lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành, kinh doanh khai thác bến xe theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Sở GTVT và Sở Tài chính cũng chưa có ý kiến về giá dịch vụ xe ra vào bến xe để đơn vị quản lý có thể lập phương án khai thác vận hành.
Cho đến nay, Bến xe Miền Đông mới đã có 3 lần dời thời điểm đi vào khai thác. Đầu tiên là vào dịp Tết Nguyên đán 2018, sau đó là dời đến quý I năm 2019. Lần dời thứ 3 là đến ngày 15/8/2019. Thời điểm này là gần đến Tết Nguyên đán 2020, nhu cầu vận chuyển hành khách, xe cộ đi lại rất cao nhưng phía Samco vẫn chưa chốt ngày vận hành bến xe mới, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách bị động vô cùng.
Cầu Nam Lý bị ngưng trệ thi công, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân các quận 2, 9. |
Ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài
Cầu Nam Lý (thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc) nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, thuộc địa bàn phường Phước Long B, quận 9. Quá trình thi công cầu kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ gia đình trong khu vực, bởi đây là tuyến đường quan trọng nối các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Theo quy mô dự án, cầu Nam Lý có tổng chiều dài là 448,9m, tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, được Sở GTVT phê duyệt theo Quyết định số 755/QĐ-SGTVT ngày 9/9/2008; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 3955/QĐ-SGTVT ngày 28/12/2011, giao Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư và khởi công vào ngày 8/10/2016, thời hạn thi công 1 năm 6 tháng. Cầu được khởi công nhằm đồng bộ với đường Đỗ Xuân Hợp, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với mức độ đô thị hóa của khu vực quận 2, quận 9 và đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy của sông Rạch Chiếc sau khi cải tạo.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại trên công trường xây dựng cầu Nam Lý, khối lượng công việc chỉ đạt chừng hơn 40%. Vào giờ tan tầm các ngày trong tuần, đường Đỗ Xuân Hợp qua khu vực này liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do kẹt xe, kéo dài nhiều giờ liền. Nguyên nhân là do nhà thầu quây tôn làm rào chắn suốt 3 năm qua, làm mặt đường hẹp lại.
Những ngày này, mật độ lưu thông của các phương tiện vận tải qua cầu cống đập Rạch Chiếc là rất lớn, trong khi cây cầu này đã xuống cấp trầm trọng, lộ rõ nhiều vết nứt trên thân cầu và trụ cầu. Thực tế này đòi hỏi ngành GTVT TP phải đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Nam Lý, qua đó để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cũng như đáp ứng niềm mong đợi của người dân các quận 9, quận 2 về một cây cầu vững chãi, kết nối giao thông liên vùng.