Không xả rác ra đường và kênh rạch
Ngày 19/10/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Đây có thể coi là cuộc vận động toàn dân lớn nhất từ trước đến nay trên cả nước trong vấn đề kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố; nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định đã có chuyển biến tích cực
Trong đó, nhiều điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm. Cụ thể, toàn TP.HCM đã chuyển hóa được 656/733 điểm ô nhiễm về rác thải, còn 77 điểm đang tiếp tục triển khai; đặc biệt, có 70 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên.
TP.HCM hướng tới đô thị hiện đại, xanh - thân thiện môi trường |
Đến nay, có 322/322 phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoạivới nhân dân (đạt tỷ lệ 100%); vận động được 1,36 triệu hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; lắp đặt 33.676 thùng rác công cộng…
UBND TP.HCM đã xét và công nhận 90 khu phố - ấp đạt danh hiệu “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, 21 phường - xã - thị trấn đạt danh hiệu “Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”; 47 công trình, giải pháp, sáng kiến đạt danh hiệu “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen của người dân, TP.HCM cũngđẩy mạnh xử lý các vi phạm để chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng. Nhiều địa phương vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung 21.903 camera an ninh kết hợp theo dõi, giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường, qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt rác không đúng nơi quy định.
Thời gian qua, các quận huyện đã triển khai phần mềm “trực tuyến” và các phần mềm quản lý khác để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường. Một số quận huyện còn ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber….) trong công tác tuyên truyền, tiếp nhận thông tin xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đô thị.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, mục tiêu của Chỉ thị số 19 là vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, tiến tới chấm dứt việc xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động tuyên truyền nhân dân, tổ chức đối thoại và vận động 100% hộ dân trên địa bàn thành phố cam kết không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch.
Theo đó, thành phố sẽ duy trì các mô hình hay về công tác vận động, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, như: 15 phút vì Thành phố văn minh - sạch đẹp; công thức 5 + 1 (cứ 5 hộ dân liên kết đảm nhận phần đường trước nhà mình sạch); các sáng kiến công trình tiêu biểu…
Hướng tới đô thị xanh
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025: 100% tuyến đường có vỉa hè ổn định, có quy mô từ 3m trở lên được trồng cây xanh; mảng xanh trung bình hàng năm tăng 5ha/năm; đầu tư xây dựng 150ha đất công viên (bao gồm công viên công cộng và công viên trong khu dân cư); tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 41%; chỉ tiêu cây xanh đô thị đạt 0,65m2/người. Ngoài ra, mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố có công trình phát triển mảng xanh với hình thức phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong các ngành, các cấp, các địa phương nhằm nâng cao nhận thức và vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để bảo vệ môi trường, phát triển mảng xanh, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng hướng tới xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường. Trong đó, thành phố tập trung tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình tận dụng không gian trong nhà, sân, tường rào, tường nhà, mái nhà… để trồng cây, tăng mảng xanh nhằm cải thiện chất lượng không khí, điều kiện khí hậu, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các khu dân cư.
TP.HCM hiện có hơn 491,16ha đất công viên (369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu ở), diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người. Chỉ tính riêng từ năm 2012 - 2019, tổng diện tích công viên, mảng xanh của thành phố tăng thêm ước đạt 190ha.
TP.HCM sẽ rà soát quy hoạch và hiện trạng cây xanh, mảng xanh, công viên thuộc phạm vi quản lý ngành, địa phương; xây dựng kế hoạch triển khai các dự án trồng rừng, trồng cây ven - bờ sông, kênh rạch tạo thành vành đai cây xanh bảo vệ bờ sông kênh rạch. Đồng thời, thành phố sẽ triển khai xây dựng các dự án phủ xanh công viên, phát triển mảng xanh tại khu vực không gian sinh hoạt cộng đồng, các khu dân cư; phát triển các dự án trồng cây phân tán trong thành phố, đặc biệt tại các khu vực đất dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và các khu vực đất trống; kiểm tra việc đầu tư xây dựng, bàn giao tiếp nhận các công viên cây xanh, mảng xanh trong các khu dân cư, chung cư trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ phát động phong trào trồng cây, tăng mảng xanh, khuyến khích đa dạng các hình thức tăng mảng xanh trên mái, trên mặt đứng tại các công trình nhà cao tầng, công trình cầu, tại các cơ quan, công sở, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai, đánh giá và giới thiệu nhân rộng các mô hình về phát triển mảng xanh, “công trình xanh”, “văn phòng xanh”, “nhà xanh”, “khu dân cư xanh”…
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai rộng rãi Kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường tới tất cả các cơ quan, đơn vị, người dân trên toàn địa bàn thành phố. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ từng bước có những tháo gỡ, chỉ đạo kịp thời nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.