Góp phần giảm phát thải khí nhà kính
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức về chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, đây là bước đi phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TP.HCM; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường gắn liền với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho thành phố.
Trước đó, cuối tháng 8/2020, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện thành phố phấn đấu đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030. Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái.
Để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở các tòa nhà hành chính, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Tổng Công ty Điện lực thành phố và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, có Báo cáo phân tích đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua. Trong đó, lưu ý về phương thức, quy trình thực hiện, chi phí đầu tư bình quân, hiệu suất công trình, hiệu quả thực tế, tuổi thọ, thời gian hoàn vốn, công tác duy tu, bảo dưỡng của từng công trình, dự án đã triển khai từ nguồn ngân sách Nhà nước thời gian qua. Đặc biệt, cần phân tích đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế để có cái nhìn tổng thể, khách quan hơn về vấn đề này. Cùng với đó, cần tổ chức khảo sát hiện trạng mặt bằng, không gian, điều kiện thực tế tại từng đơn vị; trên cơ sở đó đề xuất chủ trương, phương thức, lộ trình, nguồn vốn thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở Xây dựng rà soát, có ý kiến về thủ tục cấp phép xây dựng và việc tuân thủ các quy định an toàn công trình, tác động đến cảnh quan, môi trường đối với việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Công trình điện năng lượng mặt trời được lắp đặt trên tầng mái trụ sở UBND quận 10 |
Nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết, tính đến 30/6/2020, trên địa bàn TP.HCM đã có 8.126 công trình điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, với công suất là 105,64 MWp. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2020, có 2.575 công trình được lắp đặt, với tổng công suất 39,91 MWp.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết: TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời, bởi TP.HCM là một trong các địa phương nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Theo đó, TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Vào mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ.
Theo ông Bùi Trung Kiên, thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy điện mặt trời mái nhà trên địa bàn phát triển. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng hiệu rõ những lợi ích thiết thực của điện mặt trời mái nhà, EVNHCMC cũng tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp nhận yêu cầu mua điện, thử nghiệm các hệ thống sao cho đảm bảo an toàn, lắp đặt công tơ đo đếm miễn phí... Ngoài ra, đơn vị cũng tư vấn cho khách hàng những giải pháp để hệ thống hoạt động với hiệu suất cao nhất sau khi lắp đặt.
Cũng theo lãnh đạo EVNHCMC, tại TP.HCM, tiềm năng của điện mặt trời mái nhà tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng rất lớn, với khoảng 2.000 MWp. Để khai thác tốt tiềm năng tại các khu vực này, EVNHCMC đã kí biên bản ghi nhớ với Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM; Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM. Theo đó, các bên sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, đi đến từng khu chế xuất - khu công nghiệp, từng doanh nghiệp, tổ chức các buổi hội thảo để doanh nghiệp nắm rõ chủ trương của Nhà nước trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà cũng như những lợi ích thiết thực của mô hình này. EVNHCMC đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có khoảng 1.000 MWp điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.