TP.HCM: Chuẩn bị khởi công Dự án phát triển giao thông xanh

Nguyễn Quỳnh| 29/07/2021 10:48

(TN&MT) - Dự kiến, đầu năm 2022, TP.HCM sẽ khởi công tuyến buýt nhanh số 1 thuộc Dự án phát triển giao thông xanh (còn gọi là Dự án xe buýt nhanh BRT) và đưa vào hoạt động trong năm 2023, góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư Dự án), tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Thành phố Thủ Đức) kết nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau này khi Bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe với sức chứa mỗi xe từ 60 đến 72 hành khách; có làn riêng bằng cách bổ sung dải phân cách bê tông giữa làn đường BRT và các làn xe cơ giới khác. Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng; hai trạm trung chuyển trên đường Hải Thượng Lãn Ông và Hàm Nghi; một nhà ga ở Rạch Chiếc. Bãi hậu cần đặt tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000 m² và 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm. Các xe chạy tuyến BRT số 1 sẽ sử dụng khí nén thiên nhiên CNG, tốc độ 40 km/giờ trên làn đường riêng, rút ngắn khoảng 30% thời gian so với xe buýt thường.

Tuyến BRT số 1 sẽ chạy dọc đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt

Dự án tuyến BRT số 1 có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, gồm cả công tác hỗ trợ nghiên cứu một số dự án tuyến BRT trong tương lai và công tác vận hành. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2019. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2018, qua rà soát, các cơ quan chức năng đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả nên thành phố đã quyết định lùi thời hạn thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả theo mục tiêu dự án.

Tháng 11/2020, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM - Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1. Tổng mức vốn đầu tư tuyến BRT số 1 sau điều chỉnh là gần 3.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết: Trong tháng 8 tới, chủ đầu tư sẽ tổ chức thiết kế dự toán, tháng 12 sẽ tiến hành mời thầu theo quy định. Nếu mọi việc suôn sẻ, đầu năm 2022 sẽ khởi công gói thầu xây lắp với các hạng mục như xây dựng trạm dừng, nhà chờ, bãi đỗ, cầu đi bộ… Song song đó, gói thầu phương tiện sẽ được đấu thầu để chọn đơn vị cung ứng phương tiện đủ năng lực.

Cũng theo ông Lương Minh Phúc, cùng với tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1 đi vào vận hành sẽ giúp hành khách dễ dàng tiếp cận với tuyến metro, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn. Đặc biệt, tuyến BRT số 1 có thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông; giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 6 tuyến BRT. Ngoài tuyến BRT số 1 sắp khởi công, năm tuyến khác gồm: Tuyến chạy trên đại lộ Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (24 km); tuyến chạy trên đường vành đai 2 (từ An Sương - Bến xe miền Tây dài 19 km); tuyến khu vực Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ đường Kha Vạn Cân đến Công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5 km); tuyến từ đường Thoại Ngọc Hầu đến vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã đến đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 8,7 km) và tuyến chạy trên đường Quang Trung dài 8,5 km.

Hoạt động giao thông chiếm 45% phát thải khí nhà kính

PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại TP.HCM. Trong đó, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính tại TP.HCM, lĩnh vực giao thông vận tải cũng chiếm 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính. 

Vì vậy, lĩnh vực giao thông vận tải luôn được UBND TP.HCM ưu tiên thực hiện các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, TP.HCM đang trong quá trình triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo UBND TP.HCM, Dự án này sẽ góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 44.638 tấn CO2 tđ/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Chuẩn bị khởi công Dự án phát triển giao thông xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO