TP. Điện Biên Phủ: Tràn lan tình trạng chuyển nhượng, san gạt đất nông nghiệp

Hà Thuận| 25/08/2020 14:25

(TN&MT) - 2 năm trở lại đây, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ một số hộ dân tự ý san tạo mặt bằng, làm thay đổi hiện trạng đất hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, UBND TP. Điện Biên Phủ cũng cấp rất nhiều giấy phép cho các hộ san ủi mặt bằng... khiến những ngọn đồi, ngọn núi tại các xã, phường của địa phương này như đang diễn ra đại công trường của đại dự án nào đó, điều này dư luận bức xúc, quan tâm.

Tình trạng san gạt đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ nhức nhối trong 2 năm trở lại đây.

"Nhộm nhoạm" chuyển nhượng, san ủi đất nông nghiệp

Hiện nay, một số hộ dân lợi dụng việc tỉnh Điện Biên mở các tuyến đường Tà Lèng - Bệnh Viện; Dự án Hạ tầng khung... đã tự ý sản ủi mặt bằng và ngay cả phía chính quyền thành phố Điện Biên Phủ cũng đang thực hiện việc "té nước theo mưa" cấp phép cho nhiều hộ dân san ủi mặt bằng, khiến các ngọn đồi, ngọn núi ở phường Noong Bua, Him Lam, Tà Lèng, Thanh Minh… đất đá, đào bới ngổn ngang giống như thành phố này đang có đại dự án nào đó... Điều này khiến dư luận bức xúc, quan tâm.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực bản Huổi Phạ, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ vài năm gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng người dân tự ý mua bán đất nương luân canh giáp đường quốc lộ và tiến hành san gạt đất đồi thành các khu đất bằng phẳng khiến dư luận không khỏi hoài nghi tính minh bạch trong các vụ việc san đồi, bạt núi tại các xã Thanh Minh, Tà Lèng nằm "sát nách" nơi làm việc của chủ tịch thành phố… Đặc biệt vào các ngày mưa lũ, đất đồi nhão nhoét một số dòng chảy của khe suối đỏ lòm và bị lấp đầy bùn đất.

Ngọn đồi bị san gạt với diện tích hơn 3.000m2.

Bà Lường Thị Tỉnh, người dân bản Huổi Phạ, phường Him Lam, cho biết: Đất trước đây của dân bản trồng ngô, trồng sắn nhưng giờ họ bán hết rồi. Chỉ còn mỗi đất của anh em nhà mình là chưa bán (diện tích khoảng 4.000m2). Khi được hỏi tại sao chưa bán đất, chị Tỉnh cười: Do chưa được giá.!

Chỉ tay về phía mặt bằng giữa lưng chừng núi, vừa mới được người dân trong bản Huổi Phạ san ủi với diện tích trên 3.000m2, chị Tỉnh kể: Khu đất này người mua tên Tân (có vợ tên Thủy) cũng ở phường này mua để làm trang trại lợn. Họ mua nhiều lắm! Nhà tôi và anh trai tôi cũng có một lô ở phía dưới đất nhà chú này, nhưng không có đường vào, nên tôi và anh trai tôi phải bỏ ra 5m đất nương để chú này cho máy vào san gạt làm đường đi. Chú ấy hứa sẽ làm đường bê tông và làm sổ đỏ cho cả 2 anh em tôi.

Nhưng ngọn đồi bị san gạt, tạo mặt bằng và phân lô bán nền.

Không chỉ vậy, ở phía bên đối diện, những ngọn đồi cũng đã được san ủi xuống để tạo mặt bằng và phân lô. Những cái lán bằng tôn được dựng lên như để đánh dấu mảnh đất ấy “đã có chủ quyền”. Nhiều điểm đất đồi, đất canh tác cũng bị nhiều người dân tự ý san gạt, đổ đất, đổ thải để tạo mặt bằng cho thuê, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Ghi nhận của PV cách đó không xa, ngay sát mặt đường đi vào xã Tà Lèng cũ (nay thuộc xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ), khu đất khoảng 400m2 vốn là đất trồng lúa của người dân mới đây đã được đổ đất, cát san gạt tạo mặt bằng và xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch bloch Duy Tám.

Xưởng sản xuất gạch bloch xây dựng trên đất trồng lúa.

Được biết, việc chuyển nhượng đất nương giữa các hộ dân diễn ra hết sức bình thường bằng phương pháp thỏa thuận cá nhân, do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, ông Phạm Minh Tân, cán bộ địa chính phường Him Lam nhận định: Họ đang làm thủ tục chuyển nhượng giữa các cá nhân.

"Dân ai cũng biết... tại sao lãnh đạo thành phố không biết?"

Đem thực trạng trên trao đổi với ông Lò Văn Diên, Chủ tịch UBND Phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, được biết: Các hành vi vi phạm về đất đai trên đã được lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, đối với việc đổ đất, cát san gạt tạo lập mặt bằng và xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch bloch Duy Tám, ngày 10/7/2020, UBND TP. Điện Biên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Thế Duy, trú tại tổ 8, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ số tiền 25 triệu đồng về hành vi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép với diện tích 277,49m2.

Mặc dù đã bị xử phạt và yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng đất nhưng đến nay, hoạt động sản xuất gạch của đơn vị này vẫn diễn ra bình thường.

Cùng với đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc yêu cầu khôi phục lại hiện trạng đất trước khi bị san ủi, chuyển đổi mục đích. Tuy nhiên, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP. Điện Biên Phủ lại không gia hạn mốc thời gian khắc phục hậu quả. Mặc dù đã bị xử phạt nhưng đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh gạch của đơn vị này vẫn diễn ra bình thường…

Còn đối với việc san ủi hàng ngàn mét vuông đất đồi để làm trang trại lợn của hộ ông Tân (theo người dân phản ánh) thì ngày 13/3/2019, UBND phường Him Lam đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng đối với ông Lường Văn Đại (chủ đất cũ ông Tân nhận chuyển nhượng), trú tại bản Huổi Phạ, phường Him Lam vì đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng phộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp với diện tích là 3.200m2. Kèm theo đó là biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng ngay việc san ủi cải tạo mặt bằng không có giấy phép, khắc phục và trả lại hiện trạng do san ủi.

Theo phản ánh của người dân, ngày 18/8, PV Báo Tài nguyên và Môi trường có mặt tại tổ 1, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ nơi máy xúc của các hộ dân đang bổ gầu, khoan đục ngọn núi đá đã được UBND TP. Điện Biên Phủ cấp "sổ đỏ" ghi mục đích sử dụng "đất trồng cây hàng năm khác"; nay được cấp phép cho 3 hộ dân gồm: ông Nguyễn Trọng Hồng, Phạm Văn Xuân, Nguyễn Văn Chuyển, trú tại tổ 1, phường Him Lam, cải tạo mặt bằng tổng diện tích hơn 1.200m2.

Hơn 1.200m2 ngọn núi đá với mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác tại địa bàn phường Him Lam đang được xúc ủi để cải tạo mặt bằng.

Ông B.V.T, đảng viên, trú tại phường Noong Bua, nhận định: Cứ cho là việc buông lỏng quản lí thì việc người dân san, ủi mặt bằng cũng chỉ vài hộ, đằng này diễn ra như thể là "đại công trường" lẽ nào lãnh đạo TP. Điện Biên Phủ không biết? Hết quả đồi này đến quả đồi khác xúc ủi... rồi cả ngọn núi đá đầu ở đầu đường thành phố (lối rẽ vào Khu du lịch sinh thái sinh thái Him Lam) cũng ghi là đất trồng cây hàng năm khác. Núi đá thì trồng được cây gì mà lãnh đạo thành phố cấp sổ cho dân lại ghi là "đất trồng cây hàng năm khác"?  - Ông T bức xúc.

Phụ lục số 01, Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, có quy định như sau:

Đất trồng cây hàng năm khác là đất trồng các cây hàng năm không phải là trồng lúa, như các loại cây rau, màu; kể cả cây dược liệu, mía, đay, gai, cói, sả, dâu tằm và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc.

Đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Điện Biên Phủ: Tràn lan tình trạng chuyển nhượng, san gạt đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO