TP. Cần Thơ: Tầm nhìn đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL

Lê Hùng| 01/01/2023 10:49

(TN&MT) - TP. Cần Thơ đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, hiện đại trên các lĩnh vực tài nguyên môi trường, giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… là hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Những kết quả bước đầu

Với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL, nhiệm vụ đặt ra đối với TP. Cần Thơ là phải đi nhanh, đi trước trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số của vùng ĐBSCL. Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ thông tin: “Đến nay, TP. Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, đảm bảo trên 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố đang hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh; phê duyệt Đề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

16-17-3-.jpg

TP. Cần Thơ đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Theo lộ trình thực hiện Ðề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2021 - 2022) xây dựng Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh (IOC), trong đó, triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như giao thông, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp. Giai đoạn 2 (từ 2023 - 2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh. Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, TP. Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Sau một thời gian triển khai Đề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, đến nay, thành phố đã đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, TP. Cần Thơ đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng hoàn thiện hạ tầng dữ liệu cho đô thị thông minh dùng chung. Về chính quyền số trong đô thị thông minh, TP. Cần Thơ đã cơ bản hoàn thiện các hệ thống dùng chung như hệ thống quản lý văn bản, điều hành đã triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị kể cả phiên bản di động tích hợp ký số; triển khai dịch vụ công trực tuyến TP. Cần Thơ và nâng cấp đồng bộ cho tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, xã; hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai đến 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn, góp phần phục vụ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, TP. Cần Thơ cũng đang tập trung quy hoạch đô thị thông minh thông qua việc triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, quan trắc môi trường, chất thải rắn, quản lý rủi ro ngập, tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực, giám sát an ninh trật tự; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông nghiệp, ứng dụng mô hình IoT phục vụ phòng, chống thiên tai; trang bị hệ thống phần mềm ứng dụng du lịch thông minh;…

Tiếp tục phát triển TP. Cần Thơ thành đô thị thông minh, hiện đại

UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 4013/UBND-XDÐT về việc tiếp tục tập trung xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh. Theo đó, UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các sở, ban ngành và quận, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh; đồng thời, thúc đẩy triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Ðề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh.

16-17-2-.jpg

TP. Cần Thơ đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay, Sở TN&MT cũng như các sở, ban ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tập trung triển khai công tác chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số nhằm giúp cho việc chỉ đạo điều hành, giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền ngày càng nhanh chóng, công khai, minh bạch; đồng thời phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, Sở TN&MT đang đẩy nhanh tiến độ số hóa kết quả giải quyết các thủ tục hành chính còn hiệu lực, bảo đảm đúng mục tiêu đã đặt ra; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến; triển khai liên thông thuế điện tử tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện; thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về đất đai.

Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ còn tập trung triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 4 về thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ; triển khai hệ thống tự động giám sát khai thác và vận chuyển tài nguyên cát; thực hiện dự án số hóa quy trình thu gom rác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và xây dựng hệ thống quản lý giám sát thu gom rác thải theo thời gian thực.

“Sở TN&MT đang phấn đấu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh; 100% hồ sơ công việc của Sở được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước; 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc trên công nghệ số, thu nhận trực tiếp dữ liệu số; 70% hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở TN&MT TP. Cần Thơ được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước;...” - ông Đỗ Thanh Thảo cho biết thêm.

Chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Các chỉ tiêu kinh tế

1- Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,5 - 10%;

2- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá hiện hành) bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 95 - 98 triệu đồng.

3- Cơ cấu kinh tế: đến năm 2023, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,84 - 8,93%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,12 - 31,18%, dịch vụ chiếm 53,11 - 53,12% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,84 - 6,86% trong cơ cấu GRDP.

4- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến đạt 43 nghìn tỷ đồng.

5- Phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao.

6- Năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 212 - 219 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành 11,5 - 15,2%.

7- Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 12 - 13%; tổng sản phẩm công nghệ cao chiếm 32 - 33% tổng giá trị sản phẩm.

8- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 74%.

Các chỉ tiêu xã hội

9- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: trẻ vào học mẫu giáo 99,1%, bậc tiểu học 100%, bậc THCS 95%, phấn đấu ít nhất 84% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và giáo dục nghề nghiệp.

10- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%.

11- Giảm 0,2% tỷ lệ hộ nghèo, cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,36%.

12- Số bác sĩ/vạn dân (1/10.000) đạt 18,02.

13- Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,45%; tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc: 100%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 100%; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện: 3,8%.

14- Công nhận 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Các chỉ tiêu môi trường

15- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 96,22%, trong đó: đô thị đạt 99,2%, nông thôn đạt 91%.

16- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị 98,5%.

Chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh

17- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và “Ba không: không tội phạm, không ma túy, không mại dâm” đạt từ 75% trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Cần Thơ: Tầm nhìn đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO