Nhằm triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường mang tính chiến lược, lâu dài, TP. Cẩm Phả đã lập quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời xác định, trong công tác quy hoạch, các quy hoạch phát triển đô thị phải gắn với bảo vệ môi trường , cụ thể như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Thành phố Cẩm Phả đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Quy hoạch chung xây dựng thành phố Cẩm Phả...
Cùng với đó, TP.Cẩm Phả tăng cường công tác kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, cụ thể, từ đầu năm đến nay, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 84 trường hợp, với tổng số tiền trên 446 triệu đồng. Đồng thời, Hội đồng nhân dân TP. Cẩm Phả đã tổ chức giám sát công tác bảo vệ môi trường, thực hiện chủ đề công tác năm 2018 đối với các đơn vị ngành than, nhiệt điện, xi măng, antimon trên địa bàn, tổng số 15 đơn vị chịu giám sát. Qua đó, UBND TP.Cẩm Phả đã chỉ đạo xử lý các đơn vị vi phạm với số tiền 90 triệu đồng.
Đồng thời, TP. Cẩm Phả còn tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đô thị, thực hiện chỉnh trang và đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cải tạo nâng cấp tuyến vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước từ phường Quang Hanh về đến phường Cẩm Đông. Phối hợp triển khai thực hiện thi công ngầm hóa các tuyến cáp, tuyến đường điện của các đơn vị viễn thông. Rà soát, nghiên cứu thí điểm việc bê tông hóa, đậy nắp kín, trồng cây dọc một số tuyến suối hở trên địa bàn thành phố có ảnh hưởng đến môi trường.
Cùng với đó, TP. Cẩm Phả đẩy mạnh công tác triển khai di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vào các Cụm công nghiệp hoặc ra khỏi khu dân cư. Trong đó, tập trung di dời các cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư, cũng như tiến hành kiểm tra và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở thu mua phế liệu không đảm bảo điều kiện.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm TP Cẩm Phả luôn quan tâm đó là công tác bảo vệ môi trường, thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động từ các nhà máy sản xuất nhiệt điện, đơn vị khai thác than, nhà máy xi măng nằm trên địa bàn. Trong thời gian qua, TP. Cẩm Phả đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thải (khí, bụi, nước) từ sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp với ngành Than đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng vùng than Cẩm Phả, thực hiện Đề án bảo vệ môi trường cấp bách ngành Than giai đoạn 2018-2020 để xử lý ô nhiễm môi trường do tác động của khai thác than, nhất là ô nhiễm không khí, bồi lắng sông suối, sạt lở đất đá từ các bãi đổ thải.
Theo quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam, đến năm 2020, tại vùng Cẩm Phả có khoảng 16 mỏ và công trường khai thác than lộ thiên hoạt động, sản lượng khai thác từ 14 đến 16 triệu tấn/ năm, tương ứng lượng đất bóc từ 180 đến 200 triệu m3/ năm. Trên địa bàn TP. Cẩm Phả đã hình thành nhiều bãi thải lớn như: Đông Cao Sơn, Bàng Nâu, Nam Khe Tam và Đông Khe Sim...với dung tích lên tới hàng trăm triệu m3 khối đất đá.
Một trong những đơn vị điển hình của ngành Than đứng chân trên địa bàn TP. Cẩm Phả trong việc hoàn nguyên và trồng rừng là Công ty CP Than Đèo Nai- Vinacomin. Đưa chúng tôi “mục sở thị” bãi thải Đông Cao Sơn- là nơi đổ thải của 3 công ty khai thác lộ thiên là Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai, ông Nguyễn Ngọc Tùng cho biết, do khai trường và bãi đổ thải của Công ty giáp với địa bàn dân cư của nhiều phường, nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc hoàn nguyên môi trường và trồng cây xanh luôn được quan tâm, chú trọng. Công ty đã hoàn nguyên và trồng 200 ha thông, keo, phi lao tại bãi thải nam, hiện nay số diện tích rừng cây này được đưa vào quy hoạch để trở thành rừng phòng hộ, ngoài ra, trong 2 năm gần đây, Công ty trồng mới trên 60 ha thông tại khu vực khai trường. Đây là những bức tường xanh bảo vệ môi trường cũng như ngăn chặn việc sạt lở đất, đá đảm bảo an toàn cho những hộ dân sinh sống gần bãi đổ thải.
Trong sản xuất nhiệt điện, thời gian qua, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đã áp dụng công nghệ tiên tiến giảm thiểu tác động tới môi trường. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 là công trình nhiệt điện đầu tiên của EVN sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB). Đây là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay đảm bảo thân thiện với môi trường. Nhà máy còn lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, cập nhật dữ liệu môi trường về Sở TN&MT để tăng cường giám sát, công khai, minh bạch. Đồng thời, Nhà máy tích cực triển khai trồng cây xanh tại các khu vực hồ chứa xỉ, hồ điều hòa, bãi chứa tro xỉ, tuyến vận chuyển, trong khuôn viên.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả, Phạm Văn Kính cho biết, thời gian tới, Thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đô thị, cũng như kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ các hoạt động khai thác than, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, nhiệt điện. Tăng cường công tác quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trái phép. Tiếp tục đôn đốc ngành than đẩy nhanh tiến độ trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường, triển khai các hạng mục trong đề án cải thiện môi trường cấp bách ngành than, hoàn thiện các đê chắn, đập chắn chân bãi thải, tiến hành nạo vét các tuyến mương, suối bị bồi lắng do ảnh hưởng của khai thác than, cũng như đẩy mạnh triển khai đề án di dân đảm bảo theo đúng tiến độ, tăng cường các giải pháp giảm thiểu bụi trong công tác vận tải và đổ thải.