Tổng cục KTTV – Hạt nhân phát triển trong dự báo KTTV khu vực

23/03/2018 11:19

(TN&MT) - Việt Nam tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 2010 và được chọn làm Trung...

(TN&MT) - Việt Nam tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 2010 và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (RFSC-Hà Nội). Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện pha trình diễn từ năm 2016 đến nay.

Tăng cường vị thế qua RFSC-Hà Nội

Đánh giá vai trò quan trọng của RFSC-Hà Nội, ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Qua nhiều năm đánh giá, xét thấy Việt Nam là hạt nhân phát triển trong dự báo khu vực nên WMO đã công nhận Trung tâm dự báo của Việt Nam là một Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực. Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ Tokyo, Hàn Quốc và Mỹ, RFSC-Hà Nội cũng phải có trách nhiệm trao đổi thông tin với các nước xung quanh như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Philippines trong công tác dự báo và cảnh báo bão trên biển. Qua đó, vừa tăng cường trách nhiệm của Việt Nam, vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, vừa giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, đồng thời, công tác đào tạo cán bộ và tăng cường nhân lực cũng được cải thiện đáng kể.
ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV
Ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV
Tổng cục KTTV là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia thành lập Trung tâm Hỗ trợ Dự báo Khu vực Đông Nam Á. Ông Ata Hussain thuộc Phòng hệ thống dự báo và xử lý dữ liệu của WMO đánh giá, kể từ giai đoạn bắt đầu thành lập cho đến nay, Tổng cục KTTV thực hiện rất tốt vai trò là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực.

Theo ông Ata Hussain, vai trò của Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực là sử dụng mô hình toàn cầu và những hỗ trợ từ Trung tâm dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF), từ Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc, Tổng cục Khí tượng Trung Quốc và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, sau đó hỗ trợ gửi những mô hình sản phẩm số trị gửi cho Việt Nam và các nước thành viên. Dựa vào đó, Việt Nam với vai trò là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực sẽ phân tích các sản phẩm này và đưa ra hướng dẫn dự báo cho các nước thành viên bao gồm Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Philippines. Các nước này sẽ sử dụng những hướng dẫn của Việt Nam và đưa ra các bản tin dự báo cấp quốc gia của họ. Như vậy, trong Dự án điểm này, mô hình hoạt động sẽ là từ mô hình toàn cầu, sau đó phân tích và sử dụng cho cấp quốc gia của các nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á.

“Đi tắt đón đầu” công nghệ hiện đại

Ông Trần Hồng Thái cho biết, trong năm vừa qua, Việt Nam đã cố gắng huy động nguồn lực quan hệ quốc tế, qua các kênh thông tin tiệm cận với công nghệ hiện đại để dự báo thời tiết nguy hiểm và các loại hình thiên tai khác nhau. Tổng cục KTTV đã triển khai dự báo trên 19 loại hình thiên tai khác nhau, bao gồm lũ quét, sạt lở đất và nhiều loại hình khác đã có những bản tin cảnh báo. Cũng trong năm qua, những công nghệ của Tổng cục KTTV đã tiệm cận được với công nghệ dự báo, cảnh báo trong khu vực. Tổng cục KTTV đang cùng với thế giới hoàn thiện hệ thống của mình, cụ thể, Tổng cục đã hoàn thiện hệ thống quan trắc, công nghệ thông tin và công nghệ dự báo và cảnh báo, đã sử dụng một số công nghệ hiện đại như radar, hệ thống chống sét, ảnh vệ tinh. 

Tuy nhiên, ông Trần Hồng Thái cho rằng, hệ thống quan trắc diện rộng, đặc biệt trên biển vẫn còn thiếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, do không bố trí được các trạm quan trắc trên biển đầy đủ, vì vậy, hiện nay trên thế giới phải sử dụng giải pháp huy động trao đổi thông tin giữa các nước để khắc phục các tồn tại này. Riêng ở Việt Nam, hệ thống quan trắc còn rất hạn chế so với khu vực và quốc tế, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng do kinh phí hạn chế nên số trạm quan trắc tự động chỉ chiếm khoảng 50-60%. Bên cạnh đó, hệ thống chuyển tin của chúng ta đang cố gắng phải phủ sóng từ Trung ương đến địa phương cho kịp thời hơn và công nghệ dự báo cần cập nhật để có thể sử dụng các số liệu bền vững hơn.
Ông Ata Hussain thuộc Phòng hệ thống dự báo và xử lý dữ liệu của WMO
Ông Ata Hussain thuộc Phòng hệ thống dự báo và xử lý dữ liệu của WMO
Để khắc phục những khó khăn trên, theo ông Trần Hồng Thái, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ vẫn tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh trao đổi thông tin và công nghệ để có thể “đi tắt đón đầu” các công nghệ hiện đại. Đồng thời, có kế hoạch hoàn thiện hệ thống quan trắc của mình. “Chính phủ cũng đang tạo điều kiện cho Bộ TN&MT, ngành KTTV có thể dùng giải pháp xã hội hóa các mạng lưới quan trắc. Với giải pháp này, cùng với sự hợp tác quốc tế, hiện nay chúng ta đã xây dựng được 6/9 đài khu vực có mạng lưới quan trắc tương đối tốt và đang cố gắng xây dựng 3 đài còn lại. Đến năm 2020, khi các trạm radar và các trạm quan trắc đi vào hoạt động, chất lượng dự báo, cảnh báo sẽ tốt hơn cả về thời điểm và độ chính xác và kéo dài thời gian dự báo, cảnh báo hơn” – ông Trần Hồng Thái mong muốn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục KTTV – Hạt nhân phát triển trong dự báo KTTV khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO