Chủ động theo dõi
Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Hà Nội cho biết, trước đây, hoạt động quan trắc môi trường luôn ở thế “thụ động” đi lấy mẫu quan trắc, đem về phòng thí nghiệm phân tích, 10 đến 15 ngày sau mới có kết quả quan trắc. Quy trình này không phản ánh kịp thời mà chỉ đưa ra được những nghiên cứu, báo cáo quan trắc hàng quý. Trong khi, tốc độ phát triển kinh tế xã hội ngày càng đi lên, việc kiểm soát môi trường cũng đòi hỏi cao hơn. Nếu như cứ lấy mẫu về phân tích, 15 ngày sau mới có kết quả, không kịp xử lý khi có sự cố bất thường xảy ra. Do vậy, việc đầu tư một hệ thống quan trắc tự động đồng bộ quốc gia là vô cùng cần thiết.
Trước tình hình đó, để theo dõi, đánh giá chất lượng không khí trên địa bàn TP. Hà Nội, UBND Thành phố đã giao Sở TN&MT quản lý, tiếp nhận dữ liệu bao gồm 10 trạm quan trắc tự động được đưa vào vận hành từ 20/12/2016, do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Các trạm quan trắc không khí trên quy hoạch hệ thống quan trắc đánh giá chất lượng không khí chủ yếu của 2 nhóm đối tượng là khu vực trọng điểm về ô nhiễm khí thải giao thông và các khu đô thị nhà ở.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí được công bố công khai hàng ngày trên website của UBND thành phố Hà Nội, Sở TN&MT TP. Hà Nội. Thông tin về chất lượng môi trường không khí Hà Nội cũng được cập nhật trên bản tin thời sự của Đài PTTH Hà Nội và Báo Hà Nội mới, Kinh tế đô thị... để người dân và các tổ chức “chủ động” theo dõi.
Ông Tạ Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, từ khi các trạm quan trắc không khí tự động đi vào hoạt động đã cung cấp số liệu quan trắc môi trường không khí một cách chính xác, khách quan và liên tục 24/24 giờ, làm cơ sở cho việc đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến môi trường và cảnh báo sớm ô nhiễm, giúp cho cơ quan quản lý môi trường có căn cứ để đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm một cách hiệu quả và kịp thời.
Giảm thiểu ô nhiễm
Thành phố Hà Nội đang triển khai Đề án Chống ùn tắc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tất cả các phương tiện giao thông phải được kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng đăng kiểm, nhất là ô tô; xây dựng cơ chế đến năm 2020, hạn chế các phương tiện cá nhân. Tất cả các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển rác thải, vật liệu xây dựng được che chắn và rửa tất cả các bánh xe, gầm bể trước khi tham gia giao thông trong thành phố.
Thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí như: Triển khai Đề án chống ồn, chống bụi; đầu tư hạ tầng giao thông công cộng (xe buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao…) và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải; triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên toàn địa bàn thành phố, đến nay, đã trồng hơn 800.000 cây xanh; nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức EURO 4, EURO 5 đến năm 2020; đưa vào sử dụng các nhiên liệu sạch để hạn chế nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải… như: sử dụng nhiên liệu xăng E5 thay thế RON92; tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các công trình xây dựng, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các điểm đen về môi trường…
Hướng tới “đón đầu” xu hướng ô nhiễm
Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư 21 trạm quan trắc không khí (20 trạm quan trắc cố định tự động liên tục và 1 xe quan trắc tự động lưu động), 12 trạm quan trắc cảm biến, 3 thiết bị quan trắc phóng xạ (1 thiết bị được tích hợp trên xe quan trắc tự động lưu động, 2 thiết bị tích hợp trên trạm quan trắc không khí cố định). Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm môi trường không khí để xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.
Ông Mai Trọng Thái cho rằng, việc bổ sung các thiết bị quan trắc phóng xạ là cần thiết, bởi lẽ, quan trắc môi trường Thủ đô không chỉ phụ thuộc ngay trong môi trường đang diễn ra, mà phải căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận, những nơi tiềm ấn nguy cơ phát thải. Đó chính là quan trắc để đón các vấn đề đó.
Mặt khác, hiện nay, các nhà máy hạt nhân nguyên tử của các nước lân cận cách chúng ta rất gần (ví dụ như ở Quảng Châu - Trung Quốc). Do vậy, cần quan trắc đo các chỉ tiêu phóng xạ căn cứ vào đặc điểm, điều kiện khí hậu, địa lý của thủ đô Hà Nội.
“Để triển khai có hiệu quả mô hình hệ thống quan trắc, trong thời gian tới, rất mong sẽ có các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các hệ thống thiết bị đặc thù để sát với thực tế; xây dựng các khung pháp lý để các Sở trên địa bàn có căn cứ vận dụng quản lý thuận lợi, hiệu quả. Đồng thời, có hỗ trợ nhân lực, có các lớp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên ngành về quản lý quan trắc tài nguyên môi trường” - ông Mai Trọng Thái đề xuất.