Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các nghiên cứu khoa học về chính sách và luật pháp trong lĩnh vực môi trường ở nhiều quốc gia khác nhau; trao đổi, thảo luận, đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề được quan tâm nhất là làm sao để pháp luật phát huy vai trò là công cụ giữ vững tăng trưởng kinh tế song hành với đảm bảo sinh kế cho người dân, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Với mục tiêu đó, tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận về một số nội dung về quy định pháp lý liên quan đến ứng phó BĐKH và sinh kế bền vững ở một số quốc gia; phát triển sinh kế hài hòa với thiên nhiên, hướng quản trị bền vững cho cộng đồng trong bối cảnh BĐKH; Hướng tiếp cận mới trong xây dựng quy định pháp luật về môi trường... Buổi tọa đàm cũng đề cập đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các yêu cầu và cam kết quốc tế mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cần phải tuân thủ nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải toàn cầu; tính công khai, minh bạch trong việc triển khai các hành động cụ thể…
Các chuyên gia cũng chia sẻ dẫn chứng trong một số ngành cụ thể, như: thực tiễn và sự thích ứng của pháp luật bảo vệ rừng, các quy định trong quản lý môi trường, quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam; Thúc đẩy các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo thông qua đào tạo tiến sĩ kỹ thuật; giải quyết vấn đề khói mù ở Thái Lan; Hòa giải xã hội về hủy hoại môi trường: nghiên cứ trường hợp từ Đông Nam Á; Điều tiết nuôi trồng thủy sản ở Ấn Độ; đảm bảo đời sống cho người di cư vì lũ lụt ở Campuchia…
Theo TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội, chủ đề điều chỉnh pháp lý đối với sinh kế và biến đổi khí hậu mang tính thời sự đặc biệt trong bối cảnh BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại, đòi hỏi Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực châu Á và trên thế giới phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý. Những nội dung được trao đổi trong Tọa đàm khoa học này cũng sẽ là cơ sở để các tác giả đưa vào các bài viết và xuất bản phẩm công bố quốc tế. Điều này sẽ giúp cho các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội có thêm kinh nghiệm trong triển khai công tác nghiên cứ khoa học về pháp luật và công bố quốc tế sau này.