Ông Hằng nguyên là học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn, tham gia cách mạng năm 1945 và đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo. Khi Hiệp định Gienève được ký kết, ông Hằng là Tỉnh ủy viên tỉnh Gia Lai - Kon Tum và được phân công ở lại miền Nam, hoạt động trong lòng địch. Ông bị giặc bắt ngày 4/9/1957 tại thị xã Buôn Mê Thuột và đã chịu bao cực hình tàn khốc của quân thù. Chúng tra tấn, đày ải ông qua nhiều nhà lao trong đất liền, rồi đưa ra Côn Đảo, khép vào diện tù chính trị câu lưu (tức là bị giam vô thời hạn).
Ở nơi địa ngục trần gian, ông Hằng hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh đòi thực hiện Công ước quốc tế đối với tù chính trị và kiên quyết chống chào cờ địch. “Tù chính trị câu lưu chủ yếu là cán bộ, ai nấy đều xác định chỉ có một lá cờ Tổ quốc, đó là cờ đỏ sao vàng - lá cờ đã tung bay từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và bay cao tại Quảng trường Ba Đình trong ngày Lễ Quốc khánh 2/9/1945, đã trở thành máu thịt của chúng tôi, nên chúng tôi quyết không chào cờ của bọn tay sai bán nước!”, ông Hằng chia sẻ.
Ký ức sâu sắc nhất của ông Hằng tại Côn Đảo là việc thành lập và hoạt động của Chi bộ Lê Hồng Phong. Ông là 1 trong 7 đảng viên ở Trại IV, tổ chức thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong vào ngày 1/5/1963 và bầu đồng chí Lương Thạnh làm Bí thư Chi bộ. Hồi đó, Trại IV có 8 phòng giam với tổng số 498 tù nhân. Chi bộ đề ra chủ trương xây dựng lực lượng nòng cốt trong từng phòng giam, đẩy mạnh đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống hô khẩu hiệu và chống chào cờ ngụy. Đầu tháng 11/1963, nhân sự kiện quân đội Sài Gòn lật đổ Ngô Đình Diệm, Chi bộ Lê Hồng Phong phát động phong trào đấu tranh công khai không hô khẩu hiệu và không chào cờ ngụy.
Trong buổi chào cờ sáng ngày 3/11/1963, chi bộ bố trí các đồng chí Lê Quang Ba, Phan Minh Sáu, Lê Tam và Nguyễn Văn Minh phát biểu yêu sách của tù nhân. Bốn đồng chí thay nhau nói to khi địch chuẩn bị chào cờ với đại ý: Chúng tôi yêu cầu bãi bỏ việc cưỡng bức chào cờ và hô khẩu hiệu! Chúng tôi kiên quyết không chào cờ và không hô khẩu hiệu ủng hộ bất cứ ai. Bọn địch xông vào bắt 4 anh em đưa đi nhốt “chuồng cọp”, đồng thời, cắt giảm cơm, nước, không cho ra ngoài tắm nắng… Chi bộ liền phát động tuyệt thực và nêu thêm yêu sách: Tù nhân đau ốm phải được điều trị, được bầu đại diện trại và đại diện từng phòng. Ông Hằng cùng 2 đồng chí có trình độ học vấn (Tô Thành, Lê Quang Ngọc) cùng bị giam ở phòng 7 được Bí thư Chi bộ Lương Thạnh giao nhiệm vụ xây dựng bảng mật mã để trao đổi thống nhất chủ trương giữa các phòng. Ba anh em đã vận dụng kỹ thuật “moóc” trong điện tín, biến âm “tịch - tè” (tức chấm - vạch) thành chữ số để gõ qua tường. Làm xong, các anh công kênh nhau chuyển bảng mật mã qua đầu tường cho phòng bên cạnh. Phòng bên cạnh ghi lại rồi chuyển tiếp... Nhờ đó, mọi chủ trương của chi bộ được triển khai kịp thời đến các phòng.
Cuộc tuyệt thực kéo dài đến chiều ngày thứ 3 thì giành được thắng lợi. Bọn cai ngục chấp nhận các yêu sách của tù nhân. Chi bộ truyền ý kiến chỉ đạo đến các phòng kết thúc đợt tuyệt thực. Tuy vậy, một thời gian sau, chúng trở mặt, không thực hiện các yêu sách. Chi bộ tiếp tục phát động đấu tranh. Quân thù lại thẳng tay đàn áp. “Anh em tù nhân lại đổ máu và sẵn sàng đổ máu để tô thắm màu cờ Tổ quốc, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh hằng năm”, ông Hằng nhấn mạnh.