Ngày 04/05/2017, Báo TN&MT điện tử có bài: Vườn Quốc gia Cúc Phương lại "chảy máu" vì lâm tặc. Phản ánh thực trạng: Hàng loạt cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi bị “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận thung Thưa, xã Thành Yên, huyện Thạch Thạch. Rừng đang “chảy máu” trong khi đó, các ngành chức năng vẫn không hề hay biết
Tiếp đó ngày 23/11/2017 Báo TN&MT tiếp tục đăng bài Vùng lõi Vườn quốc gia Cúc Phương vẫn bị "lâm tặc xẻ thịt". Với nội dung: Thời gian gần đây, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên (Thạch Thành – Thanh Hóa) tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp. Nhiều cây gỗ quý đã bị chặt hạ và vận chuyển ra ngoài đi tiêu thụ.
Thế nhưng, nạn lâm tặc vẫn không được kiểm soát, mà ngày càng hoành hành. Rừng liên tục bị chảy máu, trong khi đó ngành chức năng lại tỏ ra yếu kém trong năng lực quản lý.
Thời gian gần đây, lâm tặc lại chuyển qua hoạt động tại Thung Lắnthuộc thôn Yên Sơn 1 và Yên Sơn 2, xã Thành Yên (Thạch Thành – Thanh Hóa). Nhiều cây gỗ quý đã bị chặt hạ, trong khi đó ngành kiểm lâm vẫn chưa kịp thời ngăn chặn.
Tại Thung Lắn nhiều cây có tuổi đời nhiều năm tuổi đã bị lâm tặc đốn hạ đang nằm “phơi xác” ra giữa rừng chờ xẻ thịt. Theo như người dẫn đường cho hay thì những cây gỗ bị đốn hạ đều là gỗ quý như: Côm Nhai, Táu Mật, Muồng… Theo ghi nhận, đa phần những cây bị đốn hạ đang còn nguyên, chưa được lâm tặc xẻ để vận chuyển ra khỏi rừng. Những cây này đều được kiểm lâm của Vườn quốc gia Cúc Phương đánh dấu kiểm tra vào thời điểm tháng 3 – 4/2018. Bên cạnh đó, cũng có những cây được đánh dấu kiểm tra từ cuối năm 2017.
Cưa máy, trang thiết thị được giấu sẵn trong rừng, chỉ cần có thời cơ, chúng sẽ nhanh chóng xẻ để mang gỗ ra ngoài. Để tránh sự nhòm ngó, lâm tặc không đốn hạ tập trung ở bìa rừng mà vào sâu bên trong vùng lõi của Vườn quốc gia.Sau khi đã chặt hạ xong, chúng im ắng nghe ngóng tình hình, chờ đợi thời cơ rồi mới quay trở lại cưa xẻ thành từng tấm để dễ dàng vận chuyển. Lâm tặc ngày càng có những thủ đoạn tinh vi để đánh lừa các ngành chức năng.
Không chỉ tình trạng phá rừng vẫn chưa được kiểm soát, an ninh rừng vẫn còn nhiều điểm bất ổn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Mà thời gian gần đây khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Cúc Phương đang xảy ra tình trạng khai thác gốc cây chè rừng để làm cảnh. Tại khu vực Thung Lắn, chúng tôi phát hiện khoảng hơn 20 gốc cây chè rừng, với nhiều năm tuổi đã bị đào lấy đi phần gốc, được biết mỗi gốc chè bán tại cửa rừng có giá là 500.000 đồng.
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Thọ - Trạm trưởng Trạm số 3 (Vườn quốc gia Cúc Phương) cho hay: Tình hình an ninh rừng ở khu đây không có gì lớn lắm. Hôm 12/05, chúng tôi đi kiểm tra ở Thung Lắn có phát hiện 2 cây Chò Nhai và cây Dẻ bị chặt hạ, ngoài ra có một số cây chè rừng đã đào gốc mang đi. Ở các tiểu khu khác, an ninh rừng vẫn chưa có gì lớn. Những cây bị đốn hạ chúng tôi cũng đã đánh dấu sơn kiểm tra và báo cáo về lãnh đạo vườn. Do diện tích rừng phải quản lý quá rộng nên không thể kiểm soát hết được.
Theo ông Đinh Văn Công – Bí thư xã Thành Yên cho hay: Tình trạng khai thác rừng trái phép ở Vườn quốc gia Cúc phương đã giảm nhiều. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lén lút vào khai thác các cây gỗ đem về sử dụng. Trong những tháng vừa qua thì cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Cúc Phương cũng đã đi kiểm tra và có thông tin về xã.
Được biết, trạm kiểm lâm số 03 tại thôn Thành Trung có 4 cán bộ, trạm kiểm lâm số 12 thôn Thành Tân có 3 cán bộ, cả 2 trạm đều trực thuộc quản lý trực tiếp của Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương. Đó là chưa kể đến 2 đội kiểm lâm cơ động với 11 cán bộ được trang bị bán vũ trang có súng yểm trợ, sẵn sàng có mặt ở những địa bàn cao điểm khi có thông báo lâm tặc phá rừng. Thế nhưng nạn phá rừng ở vùng lõi Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn diễn ra?