Tìm “mạch ngọt” trên mỏm đá tai mèo

Phương Anh| 11/11/2022 13:47

(TN&MT) - Ở cao nguyên đá Hà Giang, nước có trong câu chuyện của những người đàn ông mỗi sáng, trong câu chuyện của những người đàn bà bên bếp lửa, nước ám ảnh cả trong những giấc ngủ của các em bé người Mông.

Để có được nước sạch đồng bào hôm nay, những kỹ sư thủy văn của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia - Bộ TN&MT ) đã trần mình trong nắng gió, khơi đá, bạt sỏi, vạt đất để tìm nguồn nước. Mồ hôi của họ được ví đã rơi còn nhiều hơn mạch nước được tìm thấy nơi đây…

Ký ức miền “đất khát”

Cao nguyên đá Hà Giang rộng gần 600km2 nhưng có tới 3/4 diện tích là núi đá vôi và đá tai mèo, diện tích rừng thưa thớt, mạch nước ngầm hiếm hoi, khả năng trữ nước trên núi đá kém... Hạn hán quanh năm, hơn 200.000 nhân khẩu nơi đây luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Nước dùng cho sinh hoạt của người dân chủ yếu trông vào mưa.

anh-1(1).png

Thi công lỗ khoan CT2 - Pả Vi - Mèo Vạc

Mùa khô, từ tháng 10 - tháng 5 năm sau, những nông dân sống giữa ngút ngàn núi đá lại thắt lòng ngóng chờ ông trời ban phát những hạt mưa hiếm hoi hay lặn lội đi bộ hàng chục km để lấy được một vài can nước về phục vụ sinh hoạt, còn giặt giũ thì gần như không. Theo đánh giá, có đến 90% dân bản thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Trong 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc lại là vùng khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Sản xuất chính của nhân dân ở đây là trồng ngô. Cứ đến cuối năm, đồng bào tìm các hốc đá trên bề mặt núi đá vôi để gieo hạt ngô rồi trông đợi mưa phùn vào dịp tết đến, xuân sang để hạt ngô nảy mầm, ra hoa kết trái. Có những năm mưa đến muộn, hạt ngô bị thối thì lại phải gieo lại hạt khác. Cái ăn đã vậy, cái uống thì sao?

Đến Mèo Vạc chỉ thấy đá và đá bạt ngàn. Trên 90% đồng bào phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Bao đời nay, đồng bào Mông ở Mèo Vạc chỉ biết đến nước khe, suối chảy từ núi đá mà sau mỗi cơn mưa lại đục ngầu mang theo bùn, đất cát. Cũng bởi vùng núi đá vôi không tích trữ được nước trên mặt, nước cho ăn uống và sinh hoạt của đồng bào đều phải nhờ trời: tích trữ nước mưa về mùa mưa và sử dụng nước ở các khe đá để sử dụng quanh năm.

Thiếu nước, đồng bào không chỉ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà còn khó khăn trong sinh hoạt. Nước ăn, nước uống phải tiết kiệm, giặt giũ chỉ thi thoảng và tắm là một điều xa xỉ, không ít người cả tháng mới ra suối tắm một lần.

Vào mùa mưa nguồn nước “dồi dào” nhưng lại không đảm bảo an toàn bởi hầu hết các gia đình đều hứng nước mưa từ mái nhà lợp bằng pro-xi măng, nên nước chứa nhiều chất a mi ăng. Biết là nước đó không sạch nhưng bà con vẫn cứ dùng vì thói quen và cũng không biết lấy nước ở đâu sạch hơn. Đào giếng lấy nước như ở miền xuôi vẫn là “câu chuyện cổ tích” đối với đồng bào.

Trăn trở tìm nguồn nước

Tình trạng khan hiếm nước trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu không còn là “chuyện riêng” của tỉnh Hà Giang. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm giải quyết “cơn khát” cho bà con. Thực hiện Chương trình 134, tỉnh Hà Giang đã tiến hành xây dựng hơn 3.000 bể nước mưa, lu chứa nước, hệ thống dẫn nước tự chảy, 152 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã trích ngân sách Nhà nước xây dựng 91 hồ treo nhân tạo trên địa bàn bốn huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Những công trình cung cấp nước đó đã phát huy tác dụng, phần nào giải quyết được tình trạng khan hiến nước cho người dân nơi đây.

anh-2.png

Thứ trưởng thường thực Bộ TN&MT Nguyễn Công Thành (thứ hai từ phải qua trái) khảo sát nguồn ngước dưới đất phát hiện tại lỗ khoan MV1 (năm 2008)

Một trong những dấu ấn tìm nước phải kể đến chương trình tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại thị trấn Mèo Vạc do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia – Bộ TN&MT) thực hiện. Có thể nói, đây là địa bàn khó khăn nhất trong việc tìm kiếm nguồn nước.

Song với quyết tâm thay đổi lối sinh hoạt cho hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe đẩy lùi bệnh tật, các kỹ sư địa chất thủy văn Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc bắt đầu bằng hành trình đào giếng nước sạch ở nơi vốn được mệnh danh là “vùng đất khát” với trùng trùng núi đá và đá.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản, nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc chia sẻ, năm 2003, khi ấy ông là Liên đoàn phó Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình miền Bắc đã cùng một số anh em trong Liên đoàn đi khảo sát điều tra đánh giá nguồn nước tại tỉnh Hà Giang. Khi Đoàn vào thăm một trường phổ thông thuộc huyện Mèo Vạc, có một chuyện đầy ấn tượng mà đến giờ ông vẫn không thể quên.

Đó là, qua tiếp xúc với giáo viên của trường, các anh được biết, nước ở đây vô cùng khan hiếm, người dân phải chắt chiu từng giọt để phục vụ cho sinh hoạt. Giáo viên là đối tượng đặc biệt, được ưu tiên ăn, uống sinh hoạt bằng nước mưa từ mái tôn otsnam. Còn bà con chỉ dám ăn uống, sinh hoạt bằng nước mưa hứng từ mái nhà tranh hoặc xi măng. Những chi tiết này càng thôi thúc ông và anh em trong Liên đoàn sớm tìm ra được nguồn nước cho bà con.

Những “trái ngọt” đầu tiên

Để tìm nguồn nước cho thị trấn Mèo Vạc, một vùng khô khát trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), trong gần 4 năm 2009-2012, các đơn vị thi công thuộc Liên đoàn đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn đời thường để hoàn thành Đề án "Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang", góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc.

anh-3(1).png
Bơm nước thí nghiệm ở lỗ khoan CT5

Hồi đó, mặc gió mưa, đường đẫm bùn nước sau cơn bão số 5, Đoàn công tác do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia chủ trì với sự tham gia của đại diện một số Vụ chức năng thuộc Bộ TN&MT, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc… vẫn đến thị trấn Mào Vạc, Hà Giang, nơi cánh thợ khoan đang khẩn trương thi công 4 ỗ khoan cuối cùng để kết thúc Đề án đúng tiến độ.

Hầu hết anh em ăn ở, làm việc trong những căn lán sơ sài, căng bạt tránh nắng mưa và túc trực bên các máy khoan đang thi công các lỗ khoan CT1, CT2, CT5 và CT7 từ sáng sớm đến tối mịt. Đáng lo lắng nhất của nghề khoan là sự cố, hỏng hóc. Hỏng các chi tiết rất nhỏ của máy khoan cũng đều phải về xuôi mới mua được. Còn sự cố khi khoan là sập lở thành, kẹt, tụt cần khoan. Khi khoan gặp nước, sự cố càng xảy ra mạnh.

Một trong các biện pháp xử lý là phải dùng dung dịch sét để khống chế. Có lỗ khoan đã tiêu tốn hàng trăm tấn đất sét phải chuyên chở từ vùng đồng bằng lên phục vụ thi công. Điều nữa là nước rửa khi khoan. Có một nghịch lý là nếu khoan trúng mạch nước ngầm, khi khoan sẽ mất nước, mạch nước ngầm càng giàu thì càng mất nước nhiều khi khoan.

Có lỗ khoan đã phải thuê riêng một xe tec chở nước để khoan. Để thực hiện đề án, đã thi công hàng chục lỗ khoan, riêng vùng thị trấn có 13 lỗ khoan. Công việc thầm lặng kéo dài liên tục gần 10 năm từ 2003 đến 2012.

Công lao khó nhọc thi công đề án của cán bộ công nhân viên Liên đoàn đã được đền đáp. Năm 2007 kết thúc đề án điều tra đánh giá nước dưới đất huyện Mèo Vạc, riêng ở vùng thị trấn đã khoan đến 6 lỗ khoan, chỉ có 1 lỗ khoan MV1 ở xã Pả Vi là có nước, lượng nước được bơm lên ổn định là 3,64 l/s, tức là có thể khai thác 314 m3 mỗi một ngày. Khỏi phải nói, bà con phấn khởi như thế nào.

Trong câu chuyện, các anh "lính khoan" không giấu nổi niềm vui được mang sức trẻ cống hiến cho việc tìm kiếm nguồn nước trên cao nguyên núi đá. Dẫu có khó khăn nhưng qua thời gian triển khai Đề án có thể khẳng định: Các hạng mục công việc được tiến hành đúng trình tự của công tác điều tra địa chất cơ bản từ giải đoán ảnh, khảo sát, đo địa vật lý, lựa chọn vị trí lỗ khoan, thi công khoan, hút nước thí nghiệm, lấy và phân tích đánh giá chất lượng mẫu nước… đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản nhớ lại, tin vui lên đến tỉnh, đến tận Trung ương. Cả 7 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đến tận nơi để khảo sát việc thực hay hư? Có đồng chí còn trăn trở: không biết khai thác như thế rồi có cạn hết không? Đồng chí Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhân đi công tác qua cũng đến uống thử nước giếng khoan. Đồng chí có nói: Đồng bào uống được thì tôi cũng uống được. Năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy việc tìm ra nguồn nước dưới đất ở Mèo Vạc là 1 trong 10 sự kiện của Bộ trong năm.

Có nước, cái khát bao đời đang dần dần được hóa giải, người dân nhiều nơi trên cao nguyên đá Hà Giang bớt đi vất vả. Miền đá dần hết khát. Đó là thành quả và sự vươn lên của chính quyền, người dân và sự quan tâm của Chính phủ với miền biên cương địa đầu Tổ quốc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm “mạch ngọt” trên mỏm đá tai mèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO