Nguồn vật liệu này lấy từ đâu, khai thác ra sao, cơ chế kỹ thuật đảm bảo an toàn thế nào… vẫn đang là những câu hỏi khó.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km dự kiến khởi công vào tháng 6/2023, ước tính cần gần 15 triệu m3 vật liệu. Theo Sở TN&MT TP.HCM, nguồn vật liệu cho dự án này dự kiến được lấy từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và An Giang.
Trong khi đất đắp nền, đá xây dựng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thì cát xây dựng và cát đắp nền (cát san lấp) hạn chế khả năng đáp ứng. Không chỉ đường vành đai 3 TP.HCM, các dự án trọng điểm ở miền Trung, miền Tây cũng đang trong tình trạng này.
Theo Bộ GTVT, 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 8,95 triệu m3 cát. Nhưng, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công. Tương tự, với cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3 (phải thi công trong 18 tháng để chờ lún) vẫn thiếu.
Nâng công suất các mỏ đang khai thác và đẩy nhanh thủ tục để khai thác mỏ mới là giải pháp đề xuất từ Bộ TN&MT. Chính phủ cũng đã có nghị quyết tăng công suất các mỏ cát đang khai thác, giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu làm đường cao tốc khai thác để cung cấp nhanh nguồn vật liệu thi công.
Một số ý kiến cũng đề xuất xin ý kiến của Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết riêng nhằm kịp thời gỡ vướng.
Mới đây Bộ GTVT cũng đã đề nghị UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang ưu tiên bố trí 18,5 triệu m3 cát để thi công 2 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Tuy nhiên, nhiều địa phương tỏ ra dè dặt với đề nghị này. Tâm lý chung của một số tỉnh miền Tây là “giữ cát”.
Lý giải từ các tỉnh cho vấn đề này là số lượng mỏ cát tại các địa phương đã giảm rất nhiều, phần lớn các mỏ cát hết thời gian khai thác và không được cấp phép lại vì lo ngại sạt lở, phần vì các địa phương muốn giữ lại cát cho các công trình của địa phương.
Theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, nguồn cát của địa phương tương đối khó khăn vì đang phải thăm dò, đánh giá trữ lượng mỏ cát để hỗ trợ Hậu Giang và TP. Cần Thơ phục vụ cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tương tự, Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết đã có báo cáo trình Chính phủ về việc cung ứng cát cho các công trình trọng điểm quốc gia. Nội dung: Lượng cát của Đồng Tháp chỉ đủ cung ứng tối đa cho công trình cao tốc đi qua địa bàn tỉnh gồm cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Tháp Mười - Cao Lãnh.
Mới đây nhất, ngày 11/2, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, kiến nghị dừng khai thác cát từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao để đánh giá lại quy hoạch khai thác cát trên toàn bộ sông Tiền, sông Cổ Chiên qua tỉnh Vĩnh Long.
Đây là động thái mới nhất sau vụ sạt lở lớn tại tổ 9, tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ. Vụ sạt lở ăn sâu vào đất liền 400m, dài 500m, gây thiệt hại 12 căn nhà, 1 nhà xưởng cùng nhiều tài sản khác. Qua khảo sát cho thấy, các nguyên nhân làm thay đổi địa hình lòng sông và sạt lở bờ Cổ Chiên phần lớn do tác động của con người, trong đó có tác động rất lớn từ hoạt động khai thác cát.
Thực trạng cho thấy nhu cầu cát cho các dự án đang trở nên rất cần thiết. Nhưng, thực trạng cũng chứng minh, tâm lý dè dặt từ các địa phương là có cơ sở, căn nguyên.
Trong khi đang chờ những giải pháp tối ưu vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ công trình vừa đáp ứng cơ chế khai thác kỹ thuật đảm bảo không gây sạt lở về sau... thì cát biển được ví như là vị cứu tinh, đã và đang được các chuyên gia bàn tới. Tuy nhiên, nhìn từ bài học cát sông, rất cần những nghiên cứu thấu đáo, những bước đi thận trọng để trong tương lai, khai thác cát biển phải hạn chế tối đa ảnh hưởng hệ sinh thái vùng ngoài khơi, vùng bờ và lạm dụng tài nguyên, bởi không có tài nguyên nào là vô hạn.