Tiếp vụ san lấp đất ở Thanh Trì (Hà Nội): Xã xin tồn tại để hợp thức hóa sai phạm?
(TN&MT) - UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã có chỉ đạo yêu cầu phải hoàn trả hiện trạng ban đầu đối với hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp đã bị san lấp trái phép tại tuyến đường Đại Thanh. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại có động thái đi ngược lại với chỉ đạo của huyện, đề xuất xin giữ nguyên hiện trạng vi phạm vì khó xử lý.
Liên quan đến việc san lấp đất nông nghiệp trái phép quy mô lớn tại tuyến đường Đại Thanh (thuộc địa bàn 3 xã: Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Đại Áng) mà Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh ở những bài trước, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì - Nguyễn Xuân Phong đã chủ trì cuộc họp và ra Thông báo số 535/TB-UBND yêu cầu UBND 3 xã này thống nhất phương án thông báo tạm dừng hợp đồng hoạt động của các chủ đầu tư để khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu; yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ hàng rào tôn dựng lên chưa đúng quy định, xong trước ngày 10/11.
Tuy nhiên, chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì lại không được 3 xã Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Đại Áng nghiêm túc thực hiện. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đến sáng 12/11, các khu vực san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn các xã mới chỉ thực hiện tháo dỡ một phần hàng rào tôn dựng lên, cả chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị dùng phế thải san lấp, hủy hoại vẫn tồn tại nguyên như thách thức dư luận và sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì.
Đáng nói, theo ghi nhận, sáng ngày 7/11, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì đã phối hợp với UBND xã Đại Áng kiểm tra việc khắc phục của các chủ thuê đất vi phạm dọc 2 bên đường Đại Thanh nhưng các vị trí vi phạm này đều khóa cửa chặt chẽ, nơi thì đặt cây xanh lên mặt đất để chống chế không khác gì kiểu “trồng cây trên sân bê tông”.
Theo tài liệu UBND xã Đại Áng cung cấp, đất công ích của xã tại dọc tuyến đường Đại Thanh đã được ký hợp đồng cho nhiều cá nhân thuê để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ hải sản từ năm 2023. Nhưng một số trường hợp đã tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép, vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể các trường hợp chủ hợp đồng thuê đất công ích của xã gồm: Nguyễn Ngọc Dân, Đỗ Quang Huy, Nguyễn Thị Quyên, Bùi Như Ý (người trực tiếp vi phạm là Nguyễn Văn Thao), Trần Hoài Nam, Nguyễn Mạnh Giỏi.
Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, tháng 7/2024, ngay từ ban đầu các trường hợp trên vi phạm đã được UBND xã phát hiện, lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu khắc phục vi phạm. Tuy nhiên có trường hợp chưa chấp hành và tiếp tục lén lún vi phạm san lấp đất, dựng hàng rào tôn chưa đúng quy định pháp luật.
Đối với các trường hợp san lấp đất nông nghiệp trái phép này, UBND huyện Thanh Trì đã yêu cầu phải trả lại nguyên hiện trạng ban đầu, nhưng vị Chủ tịch UBND Đại Áng lại cho rằng việc khắc phục là rất khó.
“Đang có khoảng 4 hộ dân san lấp hàng nghìn mét đất nông nghiệp. Sau khi phát hiện vi phạm, UBND xã đã yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc san lấp. Hiện đã có 2/4 hộ vi phạm thực hiện tháo dỡ rào tôn, còn 2 hộ chưa thực hiện. Tuy nhiên, việc trả lại hiện trạng như ban đầu là rất khó, do vậy, chúng tôi đang xin UBND huyện cho giữ nguyên phần diện tích đất bị san lấp để làm nông nghiệp. Trường hợp tái phạm hoặc có những vi phạm tiếp theo, xã sẽ yêu cầu chấm dứt hợp đồng, cần thiết phải thu hồi lại đất" - ông Nguyễn Xuân Thọ cho hay.
Như vậy, việc vi phạm san lấp đất nông nghiệp trái phép dọc tuyến đường Đại Thanh (địa bàn xã Đại Áng) đã diễn ra từ tháng 7/2024, nhưng UBND xã Đại Áng không quyết liệt, có dấu hiệu “buông lỏng” trong công tác xử lý vi phạm, dẫn đến tình trạng này kéo dài nhiều tháng liền. Chỉ khi báo chí phản ánh, UBND huyện Thanh Trì có ý kiến chỉ đạo thì UBND xã Đại Áng mới “sốt sắng” vào cuộc.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thọ cho biết, do khu vực vi phạm xa khu dân cư. Đặc biệt, các vi phạm đều thực hiện về đêm cho nên nhiều lúc không kịp thời ngăn chặn, phát hiện.
Còn tại xã Vĩnh Quỳnh, phần diện tích đất nông nghiệp bị san lấp vẫn chưa được khắc phục theo chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì. Thậm chí, chính quyền xã còn chưa xác định được vị trí san lấp có thuộc địa bàn quản lý của xã hay không.
Ông Nguyễn Đình Thuật - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho hay: “Qua kiểm tra, xã có 1 vị trí đất nông nghiệp có diện tích khoảng 400m2 đã bị san lấp trái phép ở ven đường Đại Thanh. Còn 1 vị trí mà báo chí vừa phản ánh, là đất xen canh giữa 3 xã (Đại Áng, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh). Chúng tôi đang xác định lại diện tích vi phạm có thuộc xã mình hay không”.
Theo ông Thuật, cuối tháng 8/2024 xã đã phát hiện việc vi san lấp đất nông nghiệp trái phép và tổ chức biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã yêu cầu hộ dân vi phạm phải đưa vào sử dụng đất đúng mục đích.
Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các biên bản, báo cáo về việc san lấp đất nông nghiệp trái phép, thì vị Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh từ chối cung cấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Công Sơn – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì thông tin: “Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với 3 xã để xử lý các trường hợp san lấp đất nông nghiệp trái phép theo chỉ đạo của UBND huyện. Sau đó, sẽ tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích đã vi phạm trước đó”.
Trên thực tế, hiện trạng san lấp đất nông nghiệp trái phép quy mô lớn, đổ thải, vi phạm trật tự xây dựng dọc tuyến đường Đại Thanh (đoạn qua 3 xã: Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng) vẫn không được khắc phục theo chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì. Nhiều hộ vi phạm vẫn đang chây ì không chịu tháo rào tôn, trả lại hiện trạng ban đầu.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp xã không quyết liệt trong công tác xử lý, không có biện pháp mạnh để ngăn chặn, dẫn đến vi phạm ngày càng rầm rộ, khó kiểm soát. Ngạc nhiên hơn nữa, do khó xử lý vi phạm, nên chính quyền cấp xã “đành” đề xuất giữ lại hiện trạng vi phạm.
Nếu UBND huyện Thanh Trì đồng ý với đề xuất cho giữ nguyên phần diện tích đất nông nghiệp đã bị san lấp của xã Đại Áng, thì đây sẽ là tiền đề cho những vi phạm sau này tiếp tục tái diễn và cũng là một cách thức mới để hợp thức hóa vi phạm san lấp đất nông nghiệp trái phép. Không chỉ tại khu vực đường Đại Thanh, mà nhiều nơi tại huyện Thanh trì sẽ được áp dụng với hình thức tương tự “san lấp trái phép rồi xin tồn tại”.