Văn bản nêu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp nhận một số Dự án đầu tư trên địa bàn xã Liên Phương (TP Hưng Yên). Sau khi xem xét đề nghị của Giám đốc Sở KHĐT về việc xin chủ trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND TP Hưng Yên:
Thanh tra trách nhiệm và xử lý theo đúng quy định đối với UBND xã Liên Phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý đất đai để các hộ dân, doanh nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các tổ chức cá nhân sử dụng đất trái pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên yêu cầu thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, tổ chức việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; không được quy hoạch thành đất ở.
Sau khi hoàn thành việc xử lý các sai phạm liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất đai tại xã Liên Phương; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định, UBND TP Hưng Yên có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh (qua sở KHĐT) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét tiếp nhận Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
UBND tỉnh yêu cầu việc tiếp nhận Dự án đầu tư, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ của tổ chức, cá nhân tại xã Liên Phương phải được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra khiếu kiện liên quan đến đất đai, sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Trước đó, ngày 06/3/2018, Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải bài viết phản ánh về tình trạng xây dựng trái phép tràn lan với quy mô rộng lớn trên đất nông nghiệp tại xã Liên Phương – TP Hưng Yên. Cụ thể: Trên trục đường Đầm Sen B xảy ra tình trạng lộng hành, ngang nhiên xây dựng với mật độ dầy đặc, bất chấp những quy định pháp luật của nhiều doanh nghiệp đã khiến hơn 26.300m2 diện tích đất nông nghiệp bị “xóa sổ”. Nhiều công trình, nhà xưởng sừng sững “hiên ngang” tồn tại trái phép cả chục năm trời mà không hề bị chính quyền địa phương can thiệp, xử lý dứt điểm. Những sự việc này đang gây nhức nhối dư luận, bất bình trong nhân dân.
Theo ghi nhận của PV báo TN&MT, trên con đường Đầm Sen B với chiều dài chỉ khoảng 1km, nhưng có hàng loạt nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp đều được xây dựng rất kiên cố, đa phần đều có diện tích từ trên một nghìn mét vuông trở lên. Đặc biệt có trường hợp một doanh nghiệp còn “táo tợn” đã xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp tới 7.500m2. Ngoài ra còn có cả những căn nhà ở được xây dựng bằng bê tông vững chắc, kiên cố, thậm chí có cả những căn biệt thự. Việc xây dựng trái phép này diễn biến khá phức tạp, kéo dài trong nhiều năm. Điều kỳ lạ là có những công trình đã sừng sững tồn tại cả chục năm trời, nó cứ ngang nhiên như thách thức dư luận. Lâu dần khiến chúng vô tình làm “gương” cho các doanh nghiệp khác “học tập”.
Có thể thấy, để tình trạng xây dựng trái phép tràn lan, phạm vi và quy mô lớn trên đất nông nghiệp từ nhiều năm qua, ngoài sự ngang nhiên, coi thường pháp luật của các cá nhân, doanh nghiệp, còn có sự “giúp sức” không nhỏ từ việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từ đó để lại những hệ lụy rất lớn và rất khó khắc phục, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư. Đặc biệt là khi có việc thu hồi đất để thực hiện Dự án thì vô cùng phức tạp, chắc chắn sẽ tạo nên những điểm nóng về an ninh trật tự.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc.