(TN&MT) - Ngày 04/11, Báo Tài nguyên và Môi trường có đăng bài “Thị xã Chí Linh - Hải Dương: “Dự án “có tên” vẫn “treo” vùng nguyên liệu” phản ánh việc UBND tỉnh Hải Dương đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy cho Công ty Cổ phần Thương Mại Đại Dương (Công ty Đại Dương). Song, hơn 10 năm nhà máy vẫn chưa được triển khai do tranh chấp vùng nguyên liệu với Công ty Sản xuất Vật liệu Xây dựng Chí Linh, trong khi công ty này sử dụng và mua lại kết quả thăm dò khoáng sản của Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến Khoáng sản Hải Dương, nhưng đã hết hạn.
Chính quyền không thống nhất…
Nhận thấy các doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng khai thác và chế biến sâu đất sét, Công ty Đại Dương đã nghiên cứu công nghệ lọc đất sét của một số nước tiên tiến và hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để lập dự án trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương để xây dựng Nhà máy Nghiền lọc phơi sấy đất sét và làm men cao cấp Đại Dương ở vùng đất sét phường Cộng Hòa, Tx. Chí Linh.
Đến ngày 28/7/2008, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000120 cho Công ty Đại Dương để thực hiện dự án tại tờ bản đồ số 60+61+73 thôn Bích Động, xã Cộng hòa, huyện Chí Linh (nay là phường Cộng Hòa, Tx. Chí Linh), thời hạn thực hiện dự án 50 năm.
Đến ngày 19/3/2009, UBND tỉnh Hải Dương có Văn bản số 375 đề nghị Bộ TN&MT cho phép Công ty Đại Dương được khai thác khoáng sản đất sét tại thôn Bích Động trước khi triển khai xây dựng dự án. Tổng diện tích hơn 10 ha, khu vực xin khai thác được xác định bởi các góc khép kín từ 1 đến 12, kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/1000.
Sau đó, ngày 28/3/2013, Bộ TN&MT đã có Công văn số 1150 về việc khai thác nguyên liệu sứ, gốm tại khu vực Trúc Thôn và Công văn số 4372 ngày 15/10/2015 về việc giải quyết dứt điểm để khai thác đất sét Kaolin tại khu I Trúc Thôn, trong đó đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương “giải quyết vùng nguyên liệu cho dự án Nhà máy nghiền lọc, phơi sấy đất sét và làm men cao cấp của Công ty Đại Dương tại khu vực phường Công Hòa, Tx. Chí Linh đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.
Tuy nhiên, vùng nguyên liệu trên có một phần trùng với Giấy phép thăm dò khoáng sản số 2714 ngày 22/12/2005 đã được Bộ TN&MT cấp cho Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến Khoáng sản Hải Dương (Công ty Khoáng sản Hải Dương). Song, Giấy phép đã hết hiệu lực từ ngày 23/6/2006 và đương nhiên hết quyền ưu tiên cấp phép khai thác kể từ ngày 23/12/2006.
Điều này đã được khẳng định tại Tờ trình số 1152 ngày 17/7/2008 của Sở KH&DT tỉnh Hải Dương gửi UBND tỉnh đề nghị cấp giấy phép đầu tư Dự án Nhà máy của Công ty Đại Dương. Cụ thể: Giấy phép thăm dò khai thác của Bộ TN&MT cấp cho Công ty Khoáng sản Hải Dương vào ngày 22/11/2005 đã hết thời hạn nhưng Công ty không cung cấp việc ra hạn thêm. Đồng thời, căn cứ vào ý kiến thống nhất của Sở TN&MT Hải Dương tại Văn bản số 182 ngày 06/6/2007 tham gia ý kiến để chấp thuận dự án đầu tư. Qua đó đã đề xuất UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận. Điều này đồng nghĩa với việc Sở KH&ĐT và Sở TN&MT đã nghiên cứu và xác nhận không có tranh chấp vùng nguyên liệu.
Song ngày 19/12/2009, tức sau 3 năm giấy phép thăm dò hết hiệu lực, Công ty Khoáng sản Hải Dương lại chuyển nhượng thông tin thăm dò của mình cho Công ty Sản xuất Vật liệu Xây dựng Chí Linh (Công ty Chí Linh) thông qua hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá số 95?! Trong khi đó, theo quy định của khoản 2, điều 30 Luật Khoáng sản 1996 và khoản 3 điều 46 Luật khoáng sản 2010 thì “giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì tổ chức, cá nhân được phép thăm dò phải giao nọp các mẫu vật, số liệu, thông tin tài nguyên khoáng sản đã thu thập cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản”.
Mặt khác, theo quy định tại điều 32 Nghị định 160 ngày 27/12/20015 hướng dẫn luật khoáng sản 1996 và khoản 2 điều 4 nghị định số 15/2012 quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản 2010 quy định: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được cung cấp thông tin về khoáng sản ở khu vực đó cho tổ chức cá nhân khác sử dụng”.
Mặc dù trước đó Công ty Khoáng sản Hải Dương đã chuyển nhượng kết quả thăm dò cho Công ty Chí Linh, nhưng ngày 27/9/2010, Công ty Khoáng sản Hải Dương lại có Công văn số 15 gửi Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam đề nghị trình duyệt: “Báo cáo thăm dò sét làm nguyên liệu sản xuất gốm và gạch ceramic tại Khu I mỏ sét Trúc Thôn” để đánh giá trữ lượng cho Công ty. Và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản đã ra Quyết định số 765 ngày 14/12/2010, phê duyệt trữ lượng sét làm nguyên liệu sản xuất cho Công ty Khoáng sản Hải Dương.
Như vậy, việc Công ty Chí Linh nhận chuyển nhượng và sử dụng thông tin thăm dò của Công ty Khoáng sản Hải Dương sai quy định pháp luật để làm cơ sở lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản chồng lấn vào diện tích quy hoạch làm dự án và xin cấp vùng nguyên liệu của Công ty Đại Dương. Chính vì việc này đã khiến cho dự án rơi vào tình trạng có tên mà vẫn “treo” vùng nguyên liệu 10 năm nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, từ năm 2016 đến nay, Sở TN&MT đã làm việc với Công ty Đại Dương và Công ty Chí Linh đề nghị thỏa thuận, thương lượng song vẫn không có kết quả và ngày 10/4/2018 Sở đã có Báo cáo 90 đề xuất giải quyết về vùng nguyên liệu này tới UBND tỉnh Hải Dương. Sau đó, Công ty Đại Dương lại có văn bản về báo cáo này và lãnh đạo Sở đã họp 2 lần trong tháng 10 và đều nhất chí với báo cáo 90.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng thừa nhận, vấn đề của hai doanh nghiệp về vùng nguyên liệu cũng có lỗi của cơ quan Nhà nước và do doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ luật. Đồng thời, việc này có nhiều vấn đề “ngay trong nội bộ tỉnh vẫn còn ý kiến không thống nhất”, đồng thời cũng có nhiều văn bản của các Bộ, ngành chưa thống nhất.
Báo cáo số 90 chưa đầy đủ?
Theo ông Đồng Thế Triệu, Giám đốc Công ty Đại Dương, Báo cáo số 90 của Sở TN&MT về việc giải quyết vùng nguyên liệu có nhiều nội dung chưa đúng, chưa đầy đủ. Cụ thể, Báo cáo số 90 nêu: “Sở KH&ĐT có công văn 535 trả lời công ty là không chấp nhận việc tham mưu tỉnh giãn tiến độ thực hiện dự án của Công ty Đại Dương vì chưa giải quyết xong việc khai thác trong diện tích thực hiện dự án”. Trong khi đó, tại Công văn 535 thực tế lại không đề nghị như vậy mà nêu: “Sau khi giải quyết dứt điểm những liên quan tới việc khai thác khoáng sản tại khu đất nhà đầu tư xin thuê, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của Công ty Đại Dương”.
Bên cạnh đó, báo cáo còn có đề xuất UBND tỉnh giải quyết vướng mắc chưa đúng chỉ đạo, hướng dẫn tại nhiều văn bản. Đơn cử, Bộ TN&MT đã có 4 Văn bản đề nghị tỉnh giải quyết dứt điểm vùng nguyên liệu cho Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty và một số văn bản khác của Tổng cục.
“Đây là dự án tâm huyết của Công ty chúng tôi. Trong 10 năm qua, Công ty đã đầu tư rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần để mong muốn được thực hiện dự án nhằm mang lại hiểu quả kinh tế, giải quyết lao động địa phương và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ, gạch men nước nhà. Tôi tha thiết đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương xem xét chỉ đạo thực hiện đúng quy định Luật kháng sản, các quy định pháp luật liên quan, đúng Giấy chứng nhận và đúng văn bản chỉ đạo của Bộ TN&MT, Tông cục địa chất khoáng sản để giải quyết vước mắc tại vùng nguyên liệu để công ty có thể khai thác”, ông Triệu chia sẻ.
Được biết, Công ty Đại Dương đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm vùng nguyên liệu để dự án đi vào triển khai cụ thể. Trong khi, Công ty Chí Linh lại “nhanh tay” mua lại kết quả Giấy phép thăm dò khoáng sản của Công ty Khoáng sản Hải Dương để làm “bảo bối” đề nghị xin Giấy phép khai thác khoáng sản. Điều khiến chúng tôi băn khoăn, việc mua bán kết quả Giấy phép thăm dò giữa Công ty Khoáng sản Hải Dương và Công ty Chí Linh được thông qua “hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá số 95?!”.
Mặc dù giai đoạn này Công ty Khoáng sản Hải Dương đã cổ phần hóa, nhưng Nhà nước đang chiếm 51% cổ phần tại đây. Trong khi, Giấy phép thăm dò ghi rất rõ: Công ty thực hiện thăm dò khoáng sản bằng nguồn vốn tự có. Tức là tiền lấy từ hoạt động của Công ty để phục vụ công tác thăm dò, do đó cơ quan chức năng cần làm rõ thêm về vấn đề này, vì nếu lấy tiền Nhà nước để phục vụ công tác thăm dò khoáng sản thì Công ty Khoáng sản Hải Dương không được phép chuyển nhượng kết quả thăm dò cho Công ty Chí Linh, bởi chỉ Nhà nước mới có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng hoặc bán đấu giá kết quả thăm dò theo quy định.
Nói về Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Đại Dương, ông Lộc cho biết, Giấy chứng nhận đầu tư UBND tỉnh Hải Dương cấp cho Công ty Đại Dương có vấn đề? Về việc này, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này chưa sắp xếp được lịch làm việc với phóng viên.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp về vụ việc.