Tiếp bài phá rừng phòng hộ ở Tân Kỳ: Cần làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các bên liên quan

23/10/2017 00:00

(TN&MT) – Báo TN&MT ngày 13/9/2017 có bài “ Hàng chục héc ta rừng phòng hộ bị cạo trọc”, nội dung bài báo phản ánh nhiều héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Tân Kỳ bị tàn phá nghiêm trọng. Hiện, theo thống kê diện tích rừng bị phá đã lên đến hàng trăm héc ta, thế nhưng vai trò của chủ rừng cũng như các bên liên quan vẫn chưa được làm rõ, khiến dư luận hết sức bất bình.

Từ năm 2006 đến nay, tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ và một số xã của huyện Yên Thành diễn ra phức tạp. Diện tích rừng bị mất ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn phá rừng ngày càng trắng trợn. Chỉ trong vòng từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Kỳ Tân đã có hơn 100 ha rừng bị chặt, đốt trụi. Riêng từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017, đã có gần 50 ha rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn bị “xóa sổ”.

Hơn 100ha rừng phòng hộ đầu nguồn Kỳ Tân bị tàn phá để trồng keo
Hơn 100ha rừng phòng hộ đầu nguồn Kỳ Tân bị tàn phá để trồng keo

Được biết, thủ phạm phá rừng ở đây phần lớn là những người địa phương khác với chiêu thức “xâm canh” (thực chất là chặt và đốt rừng để trồng keo nguyên liệu- PV). Quy trình phá rừng của chúng tiến hành trong nhiều năm trời nhưng các ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Chặt rồi để khô lấy gỗ, củi sau đó đốt trồng keo, với chiêu thức cũ rích như vậy nhưng với những kẻ phá rừng thì đây là biện pháp rất…hiệu quả. Cứ thế, theo thời gian, từng đám rừng tự nhiên bị chặt hạ dần, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Năm 2001, khi quy hoạch, diện tích rừng phòng hộ Kỳ Tân có 250ha rừng tự nhiên thì nay chỉ còn khoảng 150ha.

Theo báo cáo của Ban quản lý RPH huyện Tân Kỳ, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ bị phá là 102,36ha  trong những năm qua đã giao cho 20 hộ dân ở xã Kỳ Tân nhận khoán thực hiện quản lý bảo vệ rừng, trên cơ sở các hộ dân này đã được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP năm 1994. Do diện tích của các hộ nhỏ lẻ, điều kiện địa hình phức tạp nên công tác tuần tra bảo vệ rừng của các hộ thực hiện chưa đầy đủ nên rừng từng ngày bị “biến mất”.

Con đường BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ mất 100 triệu để mở trở thành con đường cho “lâm tặc” phá rừng
Con đường BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ mất 100 triệu để mở trở thành con đường cho “lâm tặc” phá rừng

Ông Cao Tiến Hạnh, Trưởng Ban QL rừng phòng hộ Tân Kỳ, cho biết: “Chúng tôi là chủ rừng nhưng toàn bộ diện tích rừng đã giao cho 147 hộ dân Kỳ Tân theo Nghị định 02/CP năm 1994 trước đó cả rồi. Khi quy hoạch ở đó thành rừng phòng hộ lại không thu hồi hồ sơ đó nên người dân vẫn là chủ rừng.  Hồi đó, giao cho dân ranh giới chưa xác đinh rõ ràng như bây giờ nên rất khó cho việc quản lý, bảo vệ”(?)

Được biết, để giải quyết tình trạng phá rừng, lấn đất để trồng cây nguyên liệu, ngày 19 tháng 12 năm 2016, ông Cao Tiến hạnh – Giám đốc Ban QL Rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ đã ký quyết định số 163 về việc giao khoán công tác bảo vệ rừng cho ông T. Theo Quyết định này, ông T có nhiệm vụ bảo vệ 50,7 ha đất rừng thuộc khoảnh 4,5,7,8,9 thuộc tiểu khu 867. Theo đó, ông T “chịu trách nhiệm phối hợp với BQL rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ và các cơ quan trên địa bàn Tân Kỳ và Yên Thành, ngăn chặn người dân huyện Yên Thành phá rừng, xâm canh trái phép, thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm…”. Về quyền lợi, sau khi thu hồi được diện tích rừng đang bị người dân Yên Thành xâm canh trái phép Ban QL rừng phòng hộ Tân Kỳ sẽ tiến hành ký hợp đồng giao khoán diện tích rừng đã thu hồi cho ông T theo quy định của pháp luật.

Con đường BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ mất 100 triệu để mở trở thành con đường cho “lâm tặc” phá rừng
Con đường BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ mất 100 triệu để mở trở thành con đường cho “lâm tặc” phá rừng

Thế nhưng, từ khi có Quyết định thuê bảo vệ thì rừng vẫn bị phá. Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ ngay 8/9/2017 gửi UBND huyện Yên Thành thì trong vòng 1 năm (từ năm 2016 đến 2017) diện tích rừng đầu nguồn ở Kỳ Tân bị phá bằng diện tích 5 năm trước năm 2010 cộng lại là 102, 36 ha. Riêng trong gần 9 tháng năm 2017, có 15,37ha rừng bị chặt đốt.

Nói về việc này, ông Q, ở xã Kỳ Tân, bức xúc: “Chúng tôi không hiểu tại sao lại có chuyện này. Càng ngày, rừng càng bị phá trắng trợn, lâm tặc chặt cả ngày lẫn đêm mà không ai làm gì được”.

Nhiều diện tích rừng bị phá chưa kịp đốt
Nhiều diện tích rừng bị phá chưa kịp đốt

Bên cạnh ký hợp đồng thuê bảo vệ, vào cuối năm 2016, Ban QL rừng phòng hộ Tân Kỳ đã bỏ ra 100 triệu đồng làm hơn 3km đường tuần tra bảo vệ rừng. Cùng với đó, lãnh đạo Ban còn cho phép trồng 3 hàng cây dọc hai bên đường để chống xói lở.  Nhiều người dân ở xóm 1 và xóm 2 xã Kỳ Tân cho biết, đường tuần tra bảo vệ mở ra trở thành cung đường của lâm tặc, họ mượn đường để chở gỗ, củi, than ra khỏi rừng càng dễ, cùng với đó, việc chở cây keo con lên trồng cũng dễ dàng không kém. Còn việc cho phép trồng 3 hàng cây hai bên đường lại làm tăng diện tích mất rừng khi làm đường, nhiều cây gỗ bị chặt hạ để trồng những hàng cây này.

Theo người dân xã Kỳ Tân, đường tuần tra bảo vệ rừng mở ra vô tình đã trở thành con đường…phá rừng khi hàng ngày xe cộ đi lại thuận tiện để “lâm tặc” lên chặt cây và chở gỗ, củi về theo con đường này. Xe chở cây lên trồng keo vào diện tích bị phát đốt vì thế cũng thuận lợi.

Gỗ và củi “tận thu” đang được kéo ra khỏi rừng
Gỗ và củi “tận thu” đang được kéo ra khỏi rừng

Mặc dù việc phá rừng diễn ra trong thời gian rất dài nhưng không các ngành chức năng cũng như chính quyền không có sự phối hợp để cùng giải quyết. Một lãnh đạo địa phương cho biết, quá trình xâm lấn từ nhiều năm nay nhưng cơ quan phòng hộ mới báo cho địa phương năm ngoái. Mấy năm, cơ quan phòng hộ cũng không có biện pháp tham mưu cho chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng. Công tác tuần tra thì đơn điệu, phối hợp thì không nhịp nhàng, kiểm lâm thì hầu như đứng ngoài cuộc coi như đây là nhiệm vụ của cơ quan phòng hộ, vai trò kiểm lâm rất nhạt nhòa. Rừng phòng hộ của xã nay đã bị lâm tặc phá gần hết.

Sau khi việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân xảy ra được một thời gian dài thì ngày 22/6/2017, UBND huyện Tân Kỳ mới có Quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc lấn chiếm rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp tại xã Kỳ Tân do ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ làm trưởng đoàn (nay ông Thức đã chuyển sang công tác khác - PV). Do đó, việc kiện toàn và thay đổi thành viên của đoàn kiểm tra lại phải mất thêm một thời gian dài.

Báo cáo mới nhất về tình trạng phá rừng phòng hộ ở Tân Kỳ
Báo cáo mới nhất về tình trạng phá rừng phòng hộ ở Tân Kỳ

Mới đây nhất, sau khi báo TN&MT có bài viết phản ánh về tình trạng phá rừng như đã nêu ở trên thì UBND huyện Tân Kỳ đã kiện toàn lại đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng NN & PTNT làm trưởng đoàn. Đến nay, công tác kiểm tra đã hoàn thành. Ông Trung cho biết,  đoàn đã Báo cáo với Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đồng thời đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về phá rừng phòng hộ để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; huyện Tân Kỳ phối hợp làm việc với UBND huyện Yên Thành, các cơ quan chức năng, UBND các xã giáp ranh của hai huyện để bàn và thống nhất giải pháp về việc tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý việc vi phạm lấn chiếm rừng và đất rừng. Đối với diện tích rừng chưa bị xâm lấn sẽ rà soát năng lực, khả năng của các hộ nhận khoán, nếu đủ điều kiện và cam kết thực hiện tiếp tục giao khoán cho các hộ nhận khoán. Nếu hộ không còn khả năng thực hiện, tiến hành thu hồi giao cho các hộ khác trên địa bàn để thực hiện quản lý bảo vệ rừng.

BOX: Được biết, mới đây nhất, vào ngày 21/9/2017, tại địa bàn giáp ranh giữa xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ), xã Tây Thành (huyện Yên Thành) và xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương) cơ quan chức năng lại phát hiện khoảng 3ha rừng vừa mới bị chặt hạ. Tuy nhiên, theo ông Cao Tiến Hạnh – Giám đốc BQL RPH Tân Kỳ thì số diện tích này nằm ngoài sự quản lý của Ban này.

Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài phá rừng phòng hộ ở Tân Kỳ: Cần làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các bên liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO