Tiếp bài “Đường đi thành đất “sổ đỏ” ở Thái Bình”: Cơ quan chuyên môn “đùn đẩy” trách nhiệm
(TN&MT) - Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã có loạt bài phản ánh đường đi thành đất "sổ đỏ" và việc chuyển nhượng đất giữa ông Nguyễn Đình Rạng cho ông Nguyễn Văn Huy tại tổ dân phố Hồng Phong, thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) có nhiều điểm “bất thường” cần được làm rõ. Để khách quan, phóng viên đã đặt lịch làm việc qua Văn phòng UBND huyện Tiền Hải, sau một thời gian dài, mới được bố trí làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải.
Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về việc “bất thường” trong chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất giữa ông Nguyễn Đình Rạng và ông Nguyễn Văn Huy, tổ dân phố Hồng Phong, thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Khi chuyển nhượng từ ông Nguyễn Đình Rạng (con cụ Nguyễn Văn Rưỡng) cho ông Nguyễn Văn Huy thì diện tích tăng lên “đột biến” 263,3m2 so với "sổ đỏ" (sau này được chính quyền xác định sai số do đo đạc - PV).
Ông Nguyễn Đình Rạng được hưởng thừa kế toàn bộ đất và tài sản trên đất (nhưng chỉ sau 7 ngày - PV) ông Rạng đã làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Nguyễn Văn Huy ("sổ đỏ" lúc này vẫn mang tên cụ Nguyễn Văn Rưỡng).
Tại buổi làm việc, ông Phạm Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải và bà Chu Thị Hương, Chuyên viên, đã cung cấp: Bản đồ 299, 1990, 1995 và bản đồ Vlap, "sổ đỏ" mang tên cụ Nguyễn Văn Rưỡng, biên bản xác định ranh giới, mốc giới, biên bản họp gia đình, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất… (các bản đều phô tô).
Về nội dung đất khi sang tên diện tích tăng “đột biến”, ông Phạm Thanh Bình giải thích: Theo bản đồ địa chính 299, thửa đất ở 429 mang tên cụ Nguyễn Văn Rưỡng có diện tích 522m2; thửa đất ao 430 có diện tích 240m2 (bên cạnh thửa đất ở có một khoảng trống). Đến bản đồ địa chính năm 1990 và 1995, diện tích đất ở của hộ gia đình cụ Rưỡng giảm xuống còn 310m2, đất ao 340m2 (khoảng trống đã được gộp vào thửa đất ở).
Năm 1996, cụ Nguyễn Văn Rưỡng được cấp "sổ đỏ" tổng diện tích 650m2 (bao gồm: đất ở, ao).
Theo ông Bình, việc xác lập bản đồ, diện tích đo đạc hơi vô lý (vì diện tích đất giảm đi, nhưng hình thể bản đồ bằng mắt thường cũng nhận ra lớn hơn). Đối với diện tích tăng đột biến 263,3m2 khi ông Nguyễn Đình Rạng (con cụ Rưỡng) chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Huy, so với diện tích trong "sổ đỏ" ông Bình, cho rằng: Sai số do đo đạc, bởi đất ở nông thôn khi đo đạc thủ công không chính xác, khi chuyển nhượng thời điểm này được đo lại bằng máy móc đảm bảo đúng thực tế sử dụng.
Ông Bình còn xác nhận: “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất vào ngày 28/7/2023 của hộ ông Nguyễn Văn Huy (theo hiện trạng, Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ) sơ đồ thửa đất ở 109, diện tích 310,6m2, không thể hiện đường đi là đúng, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị thẩm định. Trên thực tế, thửa đất nhà ông Huy nhận chuyển nhượng đang đi đường qua thửa đất của nhà ông Tô Văn Yến”.
Đại diện lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải lúc này đều công nhận, việc cấp "sổ đỏ" như vậy là không đúng. Sơ đồ không thể hiện đường đi, lỗi là do hệ thống bản đồ, cơ quan Nhà nước làm… chính vì vậy, dẫn đến các hộ tranh chấp đường đi chung và sự việc trên đang được đưa ra Tòa án để giải quyết.
Liên quan đến việc sau 7 ngày được thừa kế toàn bộ đất và tài sản trên đất, ông Nguyễn Đình Rạng đã làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Huy (Lúc này "sổ đỏ" vẫn mang tên bố là cụ Nguyễn Văn Rưỡng), bà Chu Thị Hương, cho biết: Về thủ tục hành chính kê khai nhận di sản thừa kế, từ chối di sản… phải niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn… theo quy định pháp luật, là trách nhiệm của Tư pháp và chính quyền địa phương. Còn việc chuyển nhượng của ông Nguyễn Đình Rạng, khi mới làm xong thủ tục về thừa kế nhận di sản (chưa sang tên "sổ đỏ") theo Khoản 1, Điều 168, Luật Đất đai năm 2013, có nội dung: “… trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Nghị định số 04/2013/NĐ -CP, ngày 7/1/2014 về hướng dẫn một số điều thi hành Luật công chứng trong đó, tại Điều 19, Khoản 1 quy định: “Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn mười lăm ngày. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó”.
Như vậy, có thể thấy, quá trình chuyển nhượng QSDĐ từ ông Nguyễn Đình Rạng cho ông Nguyễn Văn Huy có rất nhiều “bất thường”. Cộng thêm, thửa đất trên sơ đồ không có đường đi, thực tế đường đi mượn trên đất của nhà ông Tô Văn Yến, nhưng vẫn cấp được "sổ đỏ" khiến hai hộ gia đình đã xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn và thậm chí xô xát.
Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, các đơn vị chuyên môn cần vào cuộc xác minh, xem xét làm rõ các thủ tục hồ sơ, quy định về việc được hưởng thừa kế di sản và chuyển nhượng, có đúng theo quy định của pháp luật tránh để mất đoàn kết, xô xát trong khu dân cư, mất "tình làng, nghĩa xóm".