Tiếp bài "Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới có trây ì ở Đan Phượng (Hà Nội)": Khi nào người dân được trả lại quyền lợi?
(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết về việc bà Nguyễn Thị Loan (Cụm 3, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh: Năm 2008, gia đình bà được chính quyền huyện Đan Phượng đồng ý cho đổi đất ruộng từ xứ đồng Bãi Tổng sang xứ đồng Trẫm Sau. Tuy nhiên, năm 2019, UBND huyện Đan Phượng lại ra thông báo hủy bỏ việc chuyển đổi đất nông nghiệp năm 2008 nhưng lại quên hoàn trả lại đất cho người dân, khiến người dân bức xúc kéo dài.
Chính quyền “đá bóng” trách nhiệm
Trước đó, trả lời phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lưu Văn Nguyện, Công chức Địa chính xã Đan Phượng cho biết, vụ việc gia đình bà Loan phản ánh hoàn toàn đúng sự thật. UBND xã chỉ là cơ quan tham mưu và báo cáo lên UBND huyện còn việc thu hồi hay chuyển đổi đất là trách nhiệm của UBND huyện Đan Phượng. Về việc phản ánh của người dân, UBND xã đã nhiều lần báo cáo, đề xuất lên UBND huyện nhưng đang trong quá trình giải quyết.
Để khách quan thông tin hơn về vụ việc, ngày 7/9/2023 phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Bùi Văn Hoa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, cho biết: Về vụ việc này chúng tôi cũng đang cố gắng để vận dụng báo cáo giải quyết cho gia đình bà Loan. Lần trước chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện nhưng huyện đề nghị làm rõ thêm một số nội dung. Cần thiết tôi sẽ làm báo cáo ngay nhưng đây là trách nhiệm của UBND xã. Ở đây, tôi cũng đã làm báo cáo dự thảo để báo cáo UBND huyện, cụ thể: Về việc chuyển đổi đất nông nghiệp của các hộ gia đình từ vị trí này sang vị trí khác là không đúng với quy định của pháp luật. Song thời điểm đó, Phòng TN&MT huyện đồng ý cho các gia đình chuyển đổi đất là không đúng quy dịnh của pháp luật và huyện cũng đã hủy bỏ quyết định này.
Trả lời phóng viên về Thông báo số 550/TB-UBND ngày 25/6/2019 của UBND huyện Đan Phượng, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã hủy bỏ nội dung chuyển đổi đất nông nghiệp được chính quyền cấp đổi ngày 21/4/ 2008 của gia đình bà Loan nhưng tại sao không trả lại thửa 98,99 cũ cho bà Loan thì ông Hoa lý giải do lúc đó chưa có quỹ đất nên chưa trả lại được. Cùng với đó, thửa đất 98,99 của gia đình bà Loan đã được UBND xã Đan Phương chuyển đổi cho gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Nhung. Sau khi thu hồi làm đường N4, năm 2012, sau khi UBND xã Đan Phượng trình hồ sơ lên, UBND huyện đã đồng ý cho bà Nhung chuyển đổi đất sang vị trí thửa 98,99 của gia đình bà Loan. Còn việc xác định nguồn gốc, diện tích đất và những tồn tại xưa để lại thuộc trách nhiệm của UBND xã Đan Phượng. Về việc này, chúng tôi sẽ báo cáo sớm lên UBND huyện để giải quyết quyền lợi cho gia đình bà Loan.
Khi phóng viên đề nghị ông Hoa cung cấp báo cáo của Phòng TN&MT theo chỉ đạo của UBND huyện về việc tham mưu cho lãnh đạo huyện xem xét, giải quyết dứt điểm nội dung đơn của bà Loan trước ngày 7/9/2023. Song tại thời điểm phóng viên làm việc vào chiều ngày 7/9/2023, Phòng TN&MT huyện Đan Phượng vẫn chưa xong báo cáo gửi lãnh đạo huyện.
Không ban hành quyết định hành chính
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Văn phòng Luật sư Hồng Bách và Công sự cho biết: Năm 2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng đã cho phép gia đình bà Loan được chuyển đổi đất nông nghiệp với Hợp tác xã nông nghiệp Đan Phượng. Việc này là không đúng quy định của pháp luật hiện hành. Pháp luật chỉ cho phép về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân không có quy định nào về việc cho phép chuyển đổi đất giữa hộ gia đình, cá nhân với một bên là tổ chức kinh tế - Hợp tác xã nông nghiệp.
Căn cứ theo Điều 1, Luật Hợp tác xã năm 2003 quy định, Hợp tác xã nông nghiệp Đan Phượng là một tổ chức kinh tế. Trong khi Điều 126 Luật Đất đai năm 2003 quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp. Đặc biệt, tại Điểm b Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013, quy định về chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân chỉ được áp dụng đối với đất nông nghiệp.
Về nguyên tắc, gia đình bà Loan vẫn được ghi nhận là người sử dụng đối với thửa đất số 98, 99 tờ bản đồ số 01 tại xứ đồng Bãi Tổng. Nhưng, kể từ năm 2019, gia đình bà Loan chưa được chính quyền trả lại đất. Trong trường hợp thửa đất 98, 99 đã giao cho bà Nguyễn Thị Hồng Nhung thì chính quyền phải căn cứ vào tình hình thực tế, quỹ đất nông nghiệp tại địa phương có thể giao cho gia đình bà Loan một thửa đất khác có diện tích tương tự với 02 thửa trên.
"Như vậy, 4 năm qua, sự chậm trễ, thiếu sót của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bà Loan. Căn cứ tính chất, mức độ của sự việc, các cán bộ liên quan có thể bị xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế làm việc của cơ quan. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan" - Luật sư Nguyễn Hồng Bách khẳng định.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 147 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 về thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình thành phần hồ sơ bao gồm:
Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1 và Khoản 2 Điều 50 của Luật Đất đai (nếu có).
Tuy nhiên, theo giấy chứng nhận được UBND huyện Đan Phượng cấp cho bà Loan thể hiện: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp ngày 21/4/2008, nội dung đăng ký biến động về chuyển đổi quyền sử dụng đất với HTX Nông nghiệp Đan Phượng được thực hiện vào ngày 6/3/2008, nội dung đăng ký biến động quyền sử dụng đất được thực hiện trước thời điểm có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nội dung đăng ký biến động được thực hiện trước 45 ngày UBND huyện Đan Phượng cấp giấy chứng nhận cho bà Loan được quyền sử dụng đất. Nội dung này là mâu thuẫn, đi ngược lại các quy định pháp luật về chuyển đổi đất nông nghiệp.
Mặt khác, Phòng TNMT huyện Đan Phượng căn cứ vào Thông báo số 550/TB-UBND ngày 25/6/2019 của UBND huyện Đan phượng để hủy bỏ nội dung đăng ký biến động quyền sử dụng đất của gia đình bà Loan có thể không phù hợp với quy định pháp luật?! Thông báo của UBND huyện có thể không phải là quyết định hành chính, không phải là đối tượng khiếu kiện hành chính.
Vẫn theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, liên quan đến việc hủy đăng ký biến động, cơ quan Nhà nước phải ban hành Quyết định hành chính. Nhưng ở đây UBND huyện Đan Phượng không ban hành Quyết định hành chính liên quan đến việc hủy nội dung đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Lý do của việc hủy đăng ký biến động cũng không được nêu rõ có thể gây hiểu nhầm cho người dân.
Bên cạnh đó, ở Hà Nội và các huyện đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 1358/QĐ/UBND ngày 31/3/2015 của UBND TP. Hà Nội. Theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT thì Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội – Chi nhánh huyện Đan Phượng có thẩm quyền thực hiện nội dung đăng ký biến động, Phòng TNMT không có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký nội dung biến động quyền sử dụng đất.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Đan Phượng xử lý dứt điểm vụ việc tránh tình trạng khiếu nại kéo dài.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.