Ông Trương Đức Trí - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tài chính, Công thương, Xây dựng; các Sở: TN&MT, Công Thương, Xây dựng thuộc một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ; các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, BĐKH…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Đức Trí - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT nhấn mạnh: Việt Nam sớm nhận thức được vai trò của các công cụ định giá các-bon, nhằm thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy, Việt Nam đã tham gia Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường các-bon quốc tế từ năm 2012 và chủ động xây dựng dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” từ năm 2015.
Qua 5 năm chuẩn bị và thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, do vậy đến thời điểm này dự án đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường các-bon trong tương lai.
Ông Trương Đức Trí cũng cho rằng, việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon còn là một quá trình dài, đòi hỏi có nhiều đầu tư về nhận thức, kỹ thuật, nhân lực và tài chính.
Do đó, để có thể xây dựng và vận hành thị trường các-bon ở Việt Nam, ông Trương Đức Trí đề nghị các Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học và các hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các đối tác phát triển, đứng đầu là Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành với Bộ TN&MT để xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, công cụ định giá các-bon, tiến tới vận hành hiệu quả thị trường các-bon ở Việt Nam.
Đại diện Bộ TN&MT, Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương cùng chủ trì Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại diện Bộ TN&MT đã trình bày về vai trò của định giá các-bon và áp dụng công cụ thị trường đối với chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam; đại diện Ngân hàng Thế giới trình bày về các hoạt động đẩy định giá các-bon và các công cụ dựa vào thị trường.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT trình bày vai trò tiềm năng của khối tư nhân đối với việc áp dụng công cụ định giá các-bon tại Việt Nam. Bộ Tài chính nêu các vấn đề về định hướng xây dựng cơ chế tài chính đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới áp dụng công cụ định giá các-bon ở Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng có những chia sẻ về tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất thép và chất thải rắn.
Qua các báo cáo, ý kiến trình bày của các Bộ, ngành, các đại biểu tham dự Hội thảo cho thấy, định giá các-bon là một công cụ kiểm soát các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính.
Do vậy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá các-bon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư cho phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế các-bon thấp.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tuy nhiên, việc lựa chọn công cụ định giá các-bon phù hợp với điều kiện phát triển của mỗi quốc gia là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng.
Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, định giá các-bon đòi hỏi một cơ sở dữ liệu đầy đủ về phát thải khí nhà kính và các vấn đề liên quan khác như tính minh bạch, chính xác của số liệu sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đòi hỏi cần có sự đánh giá toàn diện các khía cạnh về tác động kinh tế, xã hội cũng như sự đồng thuận của các bên liên quan.
Từ đó, để hình thành và phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam và tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, để từ đó lựa chọn công cụ định giá các-bon tối ưu cho Việt Nam.
Được biết, Hội thảo là một trong những hoạt động của Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án nhằm tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.
Tổng mức vốn của Dự án là 3,6 triệu USD, trong đó, vốn ODA 3 triệu USD do Chương trình "Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon quốc tế" viện trợ không hoàn lại và ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.