Tiến độ xử lý các dự án “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội
(TN&MT) – HĐND TP Hà Nội cho rằng một số kết quả thực hiện đạt được từ cuối năm 2022 đến nay là có chuyển biến, thể hiện sự vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Báo cáo thẩm tra số 132/BC-BKTNS ngày 29/11/2023 về báo cáo của UBND TP Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có 12 văn bản chỉ đạo và đôn đốc, 04 báo cáo đến Thường trực Thành ủy, 03 báo cáo đến HĐND về đề xuất, chủ trương xử lý, thu hồi đối với một số dự án chậm triển khai; biện pháp xử lý đối với các dự án đã được chấp thuận, chỉ định, có văn bản cho phép nghiên cứu lập thực hiện dự án và các trường hợp được nhà nước cho phép nhận chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án từ trước ngày Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực.
UBND TP cũng đã tổ chức rà soát, làm việc với 16 UBND quận, huyện để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án chậm triển khai. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 18 báo cáo kết quả thực hiện khi làm việc với các quận, huyện.
Cụ thể, đối với 135 dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì: có 79 dự án (chiếm 58,5%) được xác định thuộc diện chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch (tăng 05 dự án so với giữa năm 2023 báo cáo HĐND TP); có 42 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục triển khai, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện (tăng 31 dự án so với giữa năm 2023 báo cáo HĐND TP); có 14 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án theo quy định (giảm 36 dự án so với giữa năm 2023 báo cáo HĐND TP).
Đối với 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì: có 193 dự án (chiếm 47,7%) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (tăng 24 dự án so với giữa năm 2023); có 221 dự án (chiếm 52,2%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra (tăng 126 dự án so với giữa năm 2023).
Đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới thì: có 58 dự án (chiếm 33,5%) được đưa ra danh sách các dự án chậm triển khai (tăng 26 dự án so với giữa năm 2023); có 97 dự án (chiếm 56,1%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm (tăng 206 dự án so với giữa năm 2023); có 32 dự án (chiếm 4,5%) còn phải xử lý (giảm 216 dự án so với giữa năm 2023).
Như vậy trong tổng số 712 dự án (với diện tích hơn 5.000ha) sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn thành phố có: 330 dự án (chiếm 46,3%) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (tăng 26 dự án so với giữa năm 2023); 350 dự án (chiếm 49,2%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm (tăng 206 dự án so với giữa năm 2023); 32 dự án (chiếm 4,5%) còn phải xử lý (giảm 216 dự án so với giữa năm 2023).
Thời gian tới, HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch và chỉ đạo sự vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị để cùng giải quyết; các tổ công tác chủ động triển khai làm việc với từng đơn vị, xem xét từng dự án cụ thể, có kết luận và biện pháp xử lý ngay khi kết thúc nội dung làm việc. Quan điểm phải xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án (nhất là đối với dự án kéo dài nhiều năm, dự án điều chỉnh nhiều lần);
UBND thành phố cũng cần tháo gỡ, xử lý nhanh hồ sơ nhằm thúc đẩy các dự án, nhất là nhóm dự án chậm triển khai do những nguyên nhân khách quan phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu điều chỉnh; kiên quyết xử lý vi phạm tài chính đối với các nhóm dự án được gia hạn chủ trương đầu tư nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ tài chính; tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cơ quan rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng.