Môi trường

Tiến độ đánh giá nỗ lực toàn cầu tại COP 28

Chu Thanh Hương (đưa tin từ Hội nghị COP28, UAE) 07/12/2023 - 15:27

(TN&MT) - Hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai (UAE) đã đi qua nửa chặng đường. Đến hết ngày 6/12, ba sự kiện cấp cao về: Thích ứng biến đổi khí hậu; Phương tiện thực hiện và Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các phiên họp đàm phán về đánh giá nỗ lực toàn cầu đã được tổ chức.

Tham gia sự kiện cấp cao có 29 nguyên thủ, 21 bộ trưởng, 10 quan chức cấp cao, 3 tổ chức Liên hợp quốc và 8 tổ chức phi chính phủ. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) là cơ hội để giải quyết các thiếu hụt và tăng cường thực hiện hành động khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững. Các nội dung đánh giá bao gồm tiến độ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hiệu quả, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP), cùng tất cả các kế hoạch và chính sách khí hậu khác.

Quá trình đánh giá đảm bảo tính công bằng, dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất hiện có và phù hợp với các nguyên tắc chung nhưng phân biệt với hoàn cảnh của từng quốc gia.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Các nhà lãnh đạo nhất trí yêu cầu cấp thiết về thiết lập lộ trình thích hợp để giảm sâu, nhanh chóng và bền vững lượng khí nhà kính toàn cầu. Quá trình chuyển đổi phải công bằng và được theo dõi nhanh chóng.

Để mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ, NDC lần thứ hai cần tham vọng hơn, bao trùm toàn nền kinh tế, tất cả khí nhà kính và các lĩnh vực, phù hợp với Thỏa thuận Paris và tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc gia, tăng cường tài chính và hỗ trợ trong bối cảnh chuyển đổi công bằng.

Thế giới cần đạt đỉnh phát thải khí nhà kính càng sớm càng tốt và đẩy nhanh hành động hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ hoặc sớm hơn, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của quốc gia là điều cần thiết để giữ mục tiêu 1,5°C.

z4950763473649_950ffc546daa01a0e2acd3374cf25638.jpg
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) là cơ hội để tăng cường thực hiện hành động khí hậu

Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tập trung vào việc tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, kèm với các hỗ trợ để triển khai thực hiện, góp phần đạt được mục tiêu nhiệt độ của Thỏa thuận Paris.

Quá trình chuyển đổi công bằng tạo cơ hội tạo việc làm, cơ hội cho doanh nghiệp và tăng trưởng. Cần có các hành động cấp thiết để giảm phát thải khí mêtan và khí khác ngoài CO2 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, cũng như trợ giá nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả với sự dẫn dắt của các nước phát triển.

Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và bể chứa carbon, đặc biệt là rừng và đại dương, đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Các quá trình chuyển đổi cần thiết đòi hỏi có các phương tiện thực hiện và hỗ trợ tương xứng, bao gồm chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để hưởng lợi đầy đủ từ quá trình chuyển đổi.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu

Ý kiến tại các hội nghị cấp cao thống nhất, cần tăng cường hành động thích ứng trên quy mô lớn để giảm tính dễ bị tổn thương và tăng khả năng phục hồi sau các tác động tiêu cực của BĐKH. Ước tính tài chính cho các hoạt động thích ứng nằm trong khoảng 194 - 366 tỷ USD mỗi năm. Để sớm thu hẹp khoảng cách này, hướng đi đúng là phải tăng gấp đôi tài chính thích ứng vào năm 2025.

Các nỗ lực thích ứng trong tương lai cần phải mang tính chuyển đổi và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các nước đang phát triển phải được công nhận những nỗ lực thích ứng bất chấp những thách thức mà họ phải đối mặt.

anh-1(1).jpg
Hội nghị COP28 tập trung thảo luận cách thức thúc đẩy các hành động ứng phó BĐKH để đáp ứng quy mô thực hiện Thỏa thuận Paris.

Tất cả các quốc gia cần khẩn trương tăng cường hành động thích ứng. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực và nguồn lực của các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương. Các hoạt động cần tập trung là xây dựng, thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) theo cách hỗ trợ phát triển bền vững và ưu tiên các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu, bao gồm bảo vệ, bảo tồn và khôi phục hệ thống nước, nông nghiệp và an ninh lương thực và sức khỏe.

Đại diện các quốc gia, tổ chức nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp dựa trên hệ sinh thái, cũng như sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào các giải pháp liên quan đến nước và hệ sinh thái trên núi cao. Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu cần sớm được thông qua, với các nhóm mục tiêu và chỉ số cụ thể làm cơ sở cho các Bên triển khai.

Tại lễ khai mạc COP28, các quốc gia đã thống nhất vận hành Quỹ Tổn thất và thiệt hại. Đây là một cột mốc quan trọng và tạo đà hướng tới các kết quả có tác động trên diện rộng trong thời gian tới.

Phương tiện thực hiện

Không có hành động khí hậu nào mà không có phương tiện thực hiện. Về tài chính, các nhà lãnh đạo cho rằng, cần thay đổi cách thức huy động tài chính khí hậu để đáp ứng quy mô cần thiết để thực hiện Thỏa thuận Paris. Điều này đòi hỏi nâng cao quy mô và chất lượng tài chính ưu đãi, thay đổi dòng tài chính công và tư phù hợp với lộ trình phát thải các-bon thấp và thích ứng với khí hậu.

Tài chính dễ tiếp cận và giá hợp lý ở quy mô lớn là điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các kế hoạch khí hậu, bao gồm NDC và NAP, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Các Bên cần khẩn trương đáp ứng tất cả các cam kết liên quan đến tài chính khí hậu, bao gồm việc cung cấp 100 tỷ USD và đặt ra một mục tiêu định lượng chung mới đầy tham vọng về tài chính khí hậu, mở rộng quy mô tài chính từ tất cả các nguồn - tài chính công, tư, trong nước và quốc tế - bao gồm bảo lãnh và tài chính hỗn hợp, trái phiếu xanh và các sáng kiến. Tài chính công là chìa khóa và cũng có thể khuyến khích dòng tài chính tư nhân hướng tới quá trình khử các-bon trên toàn nền kinh tế.

Việc tăng cường năng lực, phát triển và chuyển giao công nghệ rất quan trọng, bao gồm cả việc đổi mới và sản xuất tại địa phương các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP28 sẽ tiếp tục thảo luận về đánh giá nỗ lực toàn cầu, làm căn cứ thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Paris và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ đánh giá nỗ lực toàn cầu tại COP 28
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO