(TN&MT) - Đó là hội thảo do Ban thư ký ASEAN và Trung tâm Môi trường toàn cầu tổ chức trong khuôn khổ COP 21 tại Paris (Pháp).
Hội thảo đã thảo luận các chiến lược và hàng động chung của ASEAN đóng góp cho mục tiêu của Công ước khí hậu và đề xuất các chiến lược và hành động hợp tác của ASEAN ở cấp khu vực và quốc gia tiến tới một cộng đồng ASEAN chống chịu với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khai mạc chuỗi sự kiện bên lề tại COP21 |
GS. TS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (VPCC) đã có bài trình bày về các chiến lược và chính sách của Việt Nam về biến đổi khí hậu, những thuận lợi và thách thức trong thực hiện các chiến lược, chính sách và từ đó đề xuất các hướng hợp tác trong cộng đồng ASEAN.
GS. Trần Thục chia sẻ, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Quan điểm và nội dung chính của chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam xác định rõ: ứng phó với BĐKH phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, tận dụng các cơ hội để nâng cao năng lực canh tranh và sức mạnh quốc gia; chủ động và tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK; ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, của toàn xã hội và của mọi người dân. Chính phủ đã ban hành các Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh, đây là các văn bản quan trọng định hướng cho các hoạt động liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi các chiến lược này còn gặp nhiều thuận lợi và thách thức bao gồm cả về tài chính và năng lực thực hiện. Chính vì vậy, việc hợp tác với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt với các quốc gia ASEAN là rất cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại hội thảo, các quốc gia đều thống nhất, ASEAN là một khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, là khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu là không có ranh giới và mang tính khu vực, do đó, cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong tương lai, các quốc gia ASEAN có thể hợp tác xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho khu vực, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu trong các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng báo cáo đánh giá khí hậu khu vực; xây dựng hướng dẫn sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu từ đó tạo điều kiện cho phát triển theo hướng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Những vấn đề này còn tiếp tục được thảo luận trong các phiên họp của nhóm công tác về biến đổi khí hậu của ASEAN.
Chu Thanh Hương (từ Paris – Pháp)