Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
Cụ thể là mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất.
Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền. Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.
Cũng trong ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề cập các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa...; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất...
Thực tế trong thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang triển khai các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất bằng nhiều mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên cũng còn tồn tại một số vướng mắc mắc, tồn tại.
Đơn cử như tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có tổng diện tích đất nông nghiệp 273.380 ha, bình quân mỗi hộ nông nghiệp có 0,8 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, phần lớn các hộ ở Đồng Tháp sản xuất với quy mô nhỏ lẻ (có đến 35,3% hộ nông dân sản xuất lúa có diện tích dưới 0,5 ha/hộ, chỉ 14,0% hộ nông dân có diện tích trên 2 ha/hộ).
Để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất trong sản xuất lúa, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 37/2015/QĐ – UBND ngày 28/7/2015 quy định một số chính sách ưu đãi và mức chi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định hỗ trợ 50% lãi suất khi thuê đất tăng quy mô sản xuất từ 3 ha trở lên và san phẳng mặt ruộng. Quyết định này được triển khai thí điểm ở các HTX Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến, mô hình sản xuất cánh đồng lớn ở xã Phú Cường huyện Tam Nông và mô hình HTX tăng quy mô sản xuất tại huyện Tháp Mười.
Bên cạnh việc hỗ trợ HTX, nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, Đồng Tháp cũng tiến hành cho thuê đất nông nghiệp với quy mô lớn đối với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-UBND.HC ngày 24/3/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển NN ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020, trong đó quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh quy mô 150 ha.
Mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp ở Đồng Tháp chủ yếu theo hình thức HTX thuê đất của hộ nông dân. Theo đó, các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất để khắc phục những khó khăn, hạn chế bởi quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ.
HTX thuê đất của dân để làm NN nhận được sự đồng thuận từ các hộ nông dân trong vùng bởi thành viên của HTX đều xuất phát từ nông dân tại địa phương. HTX kiểu mới hoạt động giống một DN và hiện đang có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động của các HTX.
Mô hình HTX thuê đất của hộ nông dân để sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp có một số ưu điểm là HTX làm tốt vai trò trung gian trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; chủ động trong điều tiết sản xuất, sản lượng lớn và đồng nhất.
Các HTX ngày càng được củng cố theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo đơn đặt hàng của Doanh nghiệp và nhu cầu thị trường; nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của tỉnh. Đồng thời, được sự đồng thuận của bà con nông dân bởi thành viên HTX là người địa phương, gắn bó với bà con nông dân, hiểu được nhu cầu và điều kiện thực tế của hộ nông dân trong vùng.
Tuy nhiên, mô hình này còn một số tồn tại, khó khăn do sự thành công của mô hình phụ thuộc lớn vào năng lực quản lý kinh doanh, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo của HTX; Nguồn vốn của HTX hạn chế, nên không thể thuê diện tích lớn .
Đặc biệt, thời gian thuê đất ngắn (thường là 1 năm) nên hạn chế trong việc đầu tư cải tạo đất và cơ sở vật chất bài bản để tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Vẫn còn nhiều khó khăn để thống nhất giá thuê đất, đặc biệt đối với hộ nông dân chưa tìm được ngành nghề phi nông nghiệp phù hợp.