Đã có quy định cụ thể việc thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó quy định cụ thể việc thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm giúp thị trường bất động sản nông nghiệp sẽ phát triển, khuyến khích người dân sáng tạo và khai thác tối đa tiềm năng đất nông nghiệp.
Theo đó, về thực hiện tập trung đất nông nghiệp, Nghị định quy định tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất về các nội dung cụ thể. Trong đó, phương thức tập trung là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức: Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; Thuê quyền sử dụng đất; Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Bên canh đó còn phải thực hiện thỏa thuận về thời gian thực hiện tập trung đất nông nghiệp; Tỷ lệ diện tích đất mà người sử dụng đất phải đóng góp để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng để bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp; Phương án hoàn trả đất cho người sử dụng đất sau khi kết thúc việc tập trung đất nông nghiệp; việc hoàn trả đất phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tham gia tập trung đất nông nghiệp đối với từng phương thức tập trung; Các thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
Về tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gồm những nội dung sau: Xác định phạm vi, quy mô, địa điểm, ranh giới khu vực tập trung đất nông nghiệp; Hiện trạng sử dụng đất gồm: diện tích, mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng đất, người quản lý, người sử dụng đất; Xác định phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được tập trung; Đề xuất sử dụng đất đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc khu vực tập trung đất nông nghiệp; Dự kiến hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa; xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng.
Trường hợp thời hạn sử dụng đất của thửa đất ít hơn thời hạn sử dụng đất của phương án sử dụng đất thì người sử dụng đất đề nghị UBND cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với thời hạn sử dụng đất của phương án sử dụng đất; đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai thì người sử dụng đất không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc ký cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp; chuyển 01 bộ hồ sơ kèm theo 01 bản sao Giấy chứng nhận đã cấp đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Điểm a khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai quy định: Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn sử dụng đất, thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại điểm này mà không phải làm thủ tục gia hạn.
Về thực hiện tích tụ đất nông nghiệp, Nghị định quy định tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua các phương thức: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Trong đó, tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai gửi UBND cấp huyện.
Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản chấp thuận, trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Trường hợp tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.