Thường Tín (Hà Nội): Xử lý vi phạm Luật Đê điều kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”

27/04/2018 15:14

(TN&MT) - Dù sắp đến mùa mưa bão nhưng trên địa bàn xã Thống Nhất và xã Ninh Sở (huyện Thường Tín - Hà Nội), các bãi tập kết VLXD không phép và sai phép vẫn...

(TN&MT) - Dù sắp đến mùa mưa bão nhưng trên địa bàn xã Thống Nhất và xã Ninh Sở (huyện Thường Tín - Hà Nội), các bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) không phép và sai phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Với lý do gặp khó, UBND huyện Thường Tín vẫn chưa xử lý triệt để các sai phạm trên. Trong khi đó, các chủ bãi tập kết VLXD tiếp tục xin gia hạn việc di dời, giải tỏa cát, VLXD trên bãi chứa.

Bị xử phạt, vẫn tiếp tục hoạt động

Hiện nay, nằm ven tuyến đê hữu Hồng có 3 bãi tập kết VLXD không phép trên địa bàn xã Thống Nhất và một bãi tập kết VLXD có phép nhưng hoạt động sai phép tại xã Ninh Sở. Theo quan sát của nhóm PV Báo TN&MT, nhiều phương tiện quá tải trọng chở cát, đá, sỏi lưu thông trên tuyến đê này, khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, lún, sụt và giảm khả năng chống lũ…

Theo ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, ngày 28/11/2017, UBND huyện Thường Tín ra 2 Quyết định số 3965 và 3966 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường đối với ông Nguyễn Văn Lập ở thôn Giáp Long và ông Phạm Văn Hiền ở thôn Bộ Đầu. Hai trường hợp này đã chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, và không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.
Bãi tập kết VLXD của ông Phạm Văn Hiền vẫn ngang nhiên hoạt động dù đã bị xử phạt hơn 4 tháng trước
Bãi tập kết VLXD của ông Phạm Văn Hiền vẫn ngang nhiên hoạt động dù đã bị xử phạt hơn 4 tháng trước
Mặc dù bị xử phạt nhưng đến nay đã hơn 4 tháng, bãi tập kết VLXD của ông Phạm Văn Hiền vẫn đang hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Hà, do chưa tìm được bãi tập kết hợp pháp khác để di dời đến và việc thị trường tiêu thụ chậm nên việc giải tỏa đến nay còn chậm và chưa thực hiện xong. Điều này có nghĩa là các chủ bãi tập kết cát có kinh doanh cát, thế nhưng, ông Phạm Văn Hiển, con trai của ông Phạm Văn Hiền lại khăng khăng phủ nhận. 

Tương tự 2 trường hợp trên, ngày 3/1/2018, ông Nguyễn Văn Phố ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất cũng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường với tổng mức phạt là 6 triệu đồng.
Những đống cát khổng lồ án ngữ trong bãi chứa của ông Phạm Văn Hiền
Những đống cát khổng lồ án ngữ trong bãi chứa của ông Phạm Văn Hiền
Tại xã Ninh Sở, ngày 8/11/2017, ông Đinh Văn Cuông bị xử phạt hành chính do tự ý chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; không có cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; để vật liệu ở bãi sông gây cản trở dòng chảy và thoát lũ. Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cùng ngày, sau 10 ngày (tức là đến ngày 18/11/2017), ông Đinh Văn Cuông phải thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quan sát thấy, tại bãi chứa, trung chuyển VLXD của ông Cuông hiện vẫn còn hàng nghìn khối cát đang tập kết. Điều này khiến nhóm PV đặt câu hỏi: Phải chăng thay vì chỉ chở cát đi bán, chủ bãi chứa, trung chuyển này còn tập kết thêm cát vào ban đêm?

Chính quyền tắc trách

Sau khi làm việc với ông Nguyễn Văn Hà, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường yêu cầu ông cử cán bộ xã dẫn PV đi thực tế tại các bãi tập kết VLXD trên địa bàn xã Thống Nhất để được “mắt thấy, tai nghe” hoạt động đang diễn ra tại các bãi này. Ông Hà đồng ý, tuy nhiên, ông lại mong muốn “Báo đi thực địa thì đi nhưng đừng viết bài”?

Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Phòng TN&MT huyện Thường Tín cho biết: Năm 2017, các bãi này nằm trong danh sách được UBND TP Hà Nội quy hoạch làm bãi chứa, trung chuyển VLXD. Trong quá trình chưa được UBND TP Hà Nội cấp phép và chưa có quyết định cho thuê đất, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo sát sao và quyết liệt. 

“Khi nhận được đơn xin gia hạn của các chủ bãi chứa, tập kết VLXD, UBND huyện Thường Tín đã yêu cầu UBND 2 xã Thống Nhất và xã Ninh Sở ngăn chặn việc các chủ bãi tập kết thêm cát, đồng thời yêu cầu các chủ bãi giải tỏa cát, VLXD trên bãi chứa” – ông Lê Mạnh Hùng cho biết thêm. 
Các chủ bãi có thể tranh thủ buổi tối để mua cát, sau đó bán cho dân, khiến lượng cát tại các bãi vẫn còn rất nhiều
Theo ông Lê Mạnh Hùng, các chủ bãi có thể tranh thủ buổi tối để mua cát, sau đó bán cho dân, khiến lượng cát tại các bãi vẫn còn rất nhiều
Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, trước nhu cầu thực tế, công trình xây dựng ngày càng nhiều, các bãi có thể tranh thủ buổi tối để mua cát, sau đó bán cho dân, trong khi lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát tất cả các bãi 24/24 được. Như vậy, việc UBND huyện Thường Tín và chính quyền địa phương xã Thống Nhất và xã Ninh Sở không bố trí được lực lượng chức năng kiểm soát thường xuyên các bãi chứa, tập kết VLXD là một trong những nguyên nhân chính khiến các bãi này vẫn đang hoạt động ngang nhiên. Điều này quả thực mâu thuẫn với việc ông Hùng khẳng định: UBND huyện Thường Tín đang chỉ đạo sát sao và quyết liệt để xử lý các sai phạm trên!
 
Để có thông tin khách quan hơn về các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn huyện Thường Tín, PV đã đặt lịch làm việc cũng như liên hệ rất nhiều lần với ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín. Tuy nhiên, ông Kiều Xuân Huy liên tục khất lần với lý do "bận đi học". Phải chăng có điều gì uẩn khúc khiến vị Chủ tịch này "né" báo chí trong thời gian khá dài như thế?

Thiết nghĩ, thay vì kêu khó, chính quyền địa phương xã Thống Nhất, xã Ninh Sở và UBND huyện Thường Tín cần khẩn trương xử lý nghiêm các trường hợp trên, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ đê điều và chống chọi với mùa mưa lũ sắp tới.
 

Theo điều 7, Luật Đê điều 2006: Phá hoại đê điều, xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều (trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt); khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản khác, phá hoại cây chắn song bảo vệ đê (trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2, điều 29 của Luật này); sử dụng xe cơ giới quá tải trọng cho phép đi trên đê… là các hành vi bị nghiêm cấm.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín (Hà Nội): Xử lý vi phạm Luật Đê điều kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO