Thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là xu thế tất yếu

Phạm Oanh| 04/11/2021 15:56

(TN&MT) - Sáng 4/11, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN Việt Nam) đã phối hợp với Bộ TN&MT, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA)… tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhằm hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Buổi tọa đàm đã thảo luận và làm rõ hơn một số nội dung đang có những quan điểm khác biệt liên quan đến cơ chế EPR trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Tọa đàm được tổ chức trực tuyến

Thời điểm thích hợp nhất để thực thi EPR

Trả lời câu hỏi, tại sao Việt Nam cần xây dựng và thực thi EPR vào thời điểm này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng, và trong văn kiện Đại hội Đảng mới đây đã có chủ trương xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Do vậy, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật đã thể chế hóa chính sách này, trong đó có quy định về EPR.

EPR không phải là quy định mới, từ Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định này với tên gọi “thu hồi sản phẩm thải bỏ”. Tuy nhiên, trên thực tế, 15 năm qua chúng ta chưa thực hiện được quy định này. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã kế thừa và quy định rõ hơn, chi tiết hơn về EPR.

EPR và kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR. Đây là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải đại dương hiện nay và hình thành nền công nghiệp tái chế hiện đại.

“Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, EPR là gánh nặng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ khái quát hơn, rộng hơn, EPR là cơ hội chia sẻ gánh nặng của các bên. Cơ hội để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và môi trường”, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Fausto Tazzi – Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, hiện nay, không chỉ ở các nước phát triển mà nhiều Quốc gia đang phát triển đã triển khai áp dụng EPR. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đều mong muốn phát triển bền vững và sẵn sàng nguồn lực để xây dựng lộ trình phát triển, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

Việc thực thi nghiêm túc các quy định về EPR vừa thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng và thực thi các quy định về EPR tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Xây dựng tỷ lệ tái chế phù hợp và hài hòa

Một trong những quy định quan trọng và gây nhiều tranh cãi nhất của EPR chính là tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Theo ông Fausto Tazzi, để thực hiện EPR cần thời gian dài, do đó chúng ta ko nên vội vàng đặt ra tỷ lệ tái chế quá cao. Bởi, nếu tỷ lệ này quá cao sẽ tác động rất lớn đến lộ trình phát triển và sản xuất hiện có của các doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của các nước, chúng ta nên tiếp cận và triển khai từng bước trong lộ trình thực thi EPR, bắt đầu từ tỷ lệ tái chế phù hợp, sau đó tăng dần theo đúng quy định.

EPR là công cụ tốt nhất và ít tốn kém nhất để huy động sức mạnh cộng đồng trong thu gom và tái chế rác thải

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam lại cho rằng, tỷ lệ tái chế bắt buộc như trong dự thảo Nghị định là thấp. Với tỷ lệ này, sản phẩm đầu vào chưa tương xứng với tiềm lực tái chế của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về nhập khẩu phế liệu tái chế. Theo thống kế, chúng ta đã cấp phép cho hơn 70 doanh nghiệp hoạt động tái chế. Bên cạnh đó, chúng ta có tiềm lực rất lớn về tái chế tại các làng nghề. Với hơn 2 triệu lao động đang hoạt động tái chế tại Việt Nam, tỷ lệ tái chế như quy định sẽ không đáp ứng đủ nguyên liệu đầu vào trong nước cho hoạt động này.

“Tuy nhiên, các quy định về EPR trong dự thảo Nghị định là tuy duy đổi mới, mang tính đột phá của các nhà làm luật. Khi được thực thi, các quy định này là công cụ hữu hiệu giải quyết các vướng mắc hiện tại của ngành tái chế nói riêng và các ngành nghề khác nói chung”, ông Hoàng Đức Vượng chia sẻ thêm.

Cùng ý kiến với ông Vượng, bà Nguyễn Hồng Phượng, chuyên gia pháp lý cho rằng: Trước khi chúng ta áp dụng các quy định EPR, hoạt động tái chế tại Việt Nam vẫn khá phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ dừng ở việc thu gom, tái chế những sản phẩm có giá trị. Còn đối với dòng sản phẩm không có giá trị, hiện nay chúng ta chưa thu gom và tái chế. Hơn nữa, hoạt động tái chế hiện nay, nhất là tại các làng nghề đang có nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh.

Những tồn tại này chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta xây dựng và thực thi nghiêm túc, hiệu quả các quy định EPR. Và, EPR đây là cách tốt nhất và ít tốn kém nhất để huy động trách nhiệm của tất cả cộng đồng vào công cuộc thu gom và hạn chế chất thải.

Giải thích rõ hơn về tỷ lệ tái chế, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang có hiểu nhầm về tỷ lệ tái chế bắt buộc và tỷ lệ thu hồi nguyên liệu trong quy cách tái chế bao bì. Thực chất, dự thảo Nghị định không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng sản phẩm, bao bì mà quy định công thức xác định tỷ lệ tái chế tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế. Theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ tái chế như trong dự thảo Nghị định là khá thấp. Điều này thể hiện sự chia sẻ của cơ quan lập pháp với doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

“Tất cả những ý kiến đóng góp của đại biểu tham gia tại Tọa đàm sẽ là tham vấn quan trọng giúp cơ quan soạn thảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường hoàn thiện các quy định về EPR và sớm đưa vào quy định này vào cuộc sống”, ông Phan Tuấn Hùng chia sẻ.

Thực tiễn áp dụng ở Hàn Quốc và Đài Loan (TQ) cho thấy cơ chế EPR đã phát huy được hiệu quả tích cực trong quản lý chất thải rắn. Tại Hàn Quốc khối lượng tái chế tăng 75% trong hơn 10 năm (năm 2003: 1.047.000 tấn lên 1.837.000 tấn năm 2017), trong đó năm 2017: 92% chất thải nhựa được tái chế (năm 2003: 172.000 tấn lên 883.000 tấn năm 2017). Ở Đài Loan (TQ), thì lượng rác thải tính trên đầu người có xu hướng giảm dần (giảm từ 1,15 kg/người năm 1998 xuống 0,87 kg/người năm 2014), nhưng tỷ lệ tái chế lại có xu hướng tăng (tăng từ 3% năm 1998 lên 45% năm 2015)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là xu thế tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO