Thúc đẩy sử dụng công cụ kinh tế để quản lý môi trường

Linh Chi| 24/11/2020 12:02

(TN&MT) - Sử dụng công cụ kinh tế để kiểm soát ô nhiễm môi trường và tạo nguồn thu cho ngân sách Bảo vệ môi trường đã được sử dụng phổ biến ở các nước và đạt được kết quả tốt. Ở nước ta, cơ sở pháp lý để sử dụng công cụ này đã có, tuy nhiên, hiệu quả mà các công cụ này mang lại chưa được như mong đợi.

Đã thành công ở nhiều quốc gia

Trên thực tế, không phải đến nay các công cụ kinh tế mới bắt đầu được sử dụng trong bảo vệ môi trường. Từ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 ở Rio de Janerio (Brazil), các quốc gia đã đề cập đến việc áp dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường với nội dung: “Các nhà chức trách quốc gia nên cố gắng đẩy mạnh sự quốc tế hóa những chi phí môi trường và sử dụng các biện pháp kinh tế, căn cứ vào nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chịu phí tổn ô nhiễm, với sự quan tâm đúng mức đối với quyền lợi chung và không ảnh hưởng xấu đến nền thương mại, đầu tư quốc tế”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, nhiều nước trên thế giới như Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan… đã áp dụng hiệu quả quy định về phí rác thải, phí sử dụng môi trường, thuế môi trường, phí sản phẩm… Những công cụ kinh tế này sẽ tối thiểu hóa chi phí làm giảm ô nhiễm so với công cụ dựa vào quy định; đồng thời khuyến khích các chủ thể gây ô nhiễm đầu tư đổi mới công nghệ.

Phí bảo vệ môi trường giúp bổ sung nguồn tài chính để chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tại Hàn Quốc đã tiến hành thu phí các sản phẩm có tác động bất lợi đến môi trường khi được sử dụng trong sản xuất/tiêu thụ hoặc trong quá trình xử lý.  Các sản phẩm, bao bì và nguyên liệu chứa các chất độc hại; khó tái chế; có thể gây ra các vấn đề quản lý sau này khi chúng trở thành chất thải không thích hợp cho việc thu gom hoặc tái chế riêng biệt sẽ phải chịu loại phí này. Hệ thống thu phí rác thải dựa trên khối lượng cũng được nghiên cứu và áp dụng ở Seoul (Hàn Quốc), hệ thống tính phí này dựa trên nguyên tắc kinh tế là người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó người dân sẽ phải trả phí thu gom chất thải dựa trên khối lượng chất thải phát sinh, càng thải nhiều rác sẽ phải đóng phí càng nhiều…

Tại Đức, chính sách thuế cho mục đích môi trường đã giúp nước Đức phát triển kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng, giảm 25% lượng khí thải theo cam kết của Công ước Tokyo. Hay Thái Lan đã tăng thuế xăng dầu để khích lệ việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Các loại nhiên liệu này không chỉ sạch, thân thiện với môi trường mà còn giúp Thái Lan giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu và hiện đảm nhận đến 60% nhu cầu năng lượng của đất nước.

Áp dụng công cụ kinh tế ở Việt Nam

Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, Việt Nam đã và đang áp dụng công cụ kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể là thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái… Trong đó, thuế tài nguyên được sử dụng từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20; phí môi trường hiện nay cơ bản có hai loại là phí nước thải và phí rác thải đô thị; quỹ môi trường cũng được sử dụng khá phổ biến cho mục đích bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, loại quỹ này có thể chia thành ba loại, Quỹ môi trường quốc gia, Quỹ môi trường địa phương và Quỹ môi trường ngành. Việc đặt cọc hoàn trả và ký quỹ môi trường để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường cũng đã áp dụng trong hoạt động khai thác khoáng sản…

Theo tổng hợp của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, chỉ tính riêng năm 2017, áp dụng công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường Việt nam đã thu được hơn 21.000 tỷ đồng từ phí thu nước thải, hơn 2.452 tỷ đồng thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản…

Việc thực hiện các công cụ kinh tế đã góp phần đa dạng hóa các biện pháp bảo vệ môi trường của Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại những giá trị nhất định: thuế bảo vệ môi trường góp phần định hướng hành vi tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng thu cho ngân sách Nhà nước; phí bảo vệ môi trường giúp bổ sung nguồn tài chính để chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường; nhiều chủ thể thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huệ, khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, so với các công cụ quản lý môi trường mang tính mệnh lệnh - hành chính các công cụ kinh tế được coi là linh hoạt hơn, do đó, các công cụ kinh tế được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả cao hơn trong bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, ở Việt Nam, hiệu quả trong bảo vệ môi trường mà các công cụ kinh tế này mang lại chưa thực sự được như mong đợi. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật về công cụ kinh tế còn nhiều bất cập; thuế môi trường, phí môi trường hay các hình thức ký quỹ phục hồi môi trường chưa được thể hiện đầy đủ và chưa sát với thực tiễn để huy động đủ nguồn lực đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế trong quy định phân bổ và sử dụng nguồn thu từ thuế, phí và các nguồn tài chính khác cho bảo vệ môi trường…

Nhằm khắc phục những tồn tại này, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đang tiến hành Dự án “Tổng kết, đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống các công cụ kinh tế, dựa vào nguyên tắc thị trường cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam” từ đó đề xuất lộ trình tái cấu trúc, giải pháp để phát huy vai trò của hệ thống các công cụ kinh tế này trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy sử dụng công cụ kinh tế để quản lý môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO