Rác thải nhựa chiếm 7 - 10% tổng lượng rác thải y tế
Rác thải nhựa trong ngành y tế phát sinh từ 3 nguồn chính: Các hoạt động khám chữa bệnh chuyên môn; các hoạt động dịch vụ và các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Trong đó, hơn 50% rác thải nhựa phát sinh từ các dịch vụ khám chữa bệnh với các sản phẩm như dây chuyền dịch, chai truyền dịch, ống đựng bệnh phẩm… Ước tính, rác thải nhựa chiếm 7 - 10% tổng lượng rác thải y tế tại Việt Nam. Trung bình mỗi bệnh nhân sử dụng tối thiểu 5 túi ni lông mỗi ngày. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia thải rác nhựa nhiều nhất thế giới. Đó là những con số cho thấy, chúng ta cần giảm thiểu rác thải nhựa ngay bây giờ. Ngành y tế cũng không nằm ngoài lộ trình này.
Hiện, Bộ Y tế đã có nhiều động thái như ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; ký cam kết Giảm thiểu chất thải nhựa với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tại 63 địa phương; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...; phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.
Từ trung tuần tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần có thể thay thế.
Sử dụng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân Ảnh: MH |
Thúc đẩy mua sắm xanh
Bộ Y tế mới đưa ra mục tiêu khá tham vọng là đến 2025, 100% các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sinh hoạt thường ngày tại cơ quan, đơn vị. 100% các cơ sở y tế không sử dụng bao bì, túi ni lông khó phân hủy để chứa, đựng chất thải y tế. 100% cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế. Lộ trình này không còn quá xa, bởi thế, cần có những hành động cụ thể hơn nữa.
Tại hội thảo TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng, để đạt được mục tiêu Bộ Y tế cần thúc đẩy mua sắm xanh, điều này sẽ giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa, đồng thời, tác động lâu dài đến bảo vệ môi trường toàn cầu. Hiện nay, dù các văn bản luật đã có các quy định, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, song mua sắm xanh còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Bởi thế, cần nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu… nhằm thúc đẩy mua sắm xanh.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh vào việc hoàn thiện các văn bản luật như: Sửa đổi Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016 và Quyết định số 6573/QĐBYT ngày 3/11/2016 của Bộ Y tế về thực hiện cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, bổ sung các tiêu chí về giảm thiểu chất thải nhựa; sửa đổi Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, bổ sung tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ các cơ quan, đơn vị y tế thay thế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn của các bệnh viện hiện nay là các chất thải nhựa chủ yếu nằm ở các vật tư y tế, danh mục mua sắm. Việc tiếp cận với những sản phẩm thân thiện với môi trường như về chủng loại mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các bệnh viện còn tùy vào nguồn lực và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Chẳng hạn, các chai dịch truyền nước, đạm chủ yếu là bằng nhựa, chứ chưa thể chuyển sang chai thủy tinh. Vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung tiêu chí điểm kỹ thuật trong quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu để khuyến khích việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ, có thể áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện hội chẩn, thanh toán bằng bệnh án điện tử để giảm lượng film, giấy phải in ra.