Thúc đẩy hoạt động bảo vệ người yếu thế trước biến đổi khí hậu

Thu Trang| 29/07/2022 14:20

(TN&MT) - Ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức “Hội thảo quốc tế về Tác động của biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt”.

z3603096613690_edafc55940ea6bd9dfcfd0002cecc19c.jpg
Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: UNDP

Nhiều đối tượng dễ bị tổn thương

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước BĐKH và thiên tai. Các tác động rất nặng nề khi mức thiệt hại là 3,2% GDP vào năm 2020. Ứớc tính BĐKH có thể làm giảm thu nhập quốc dân tới 3,5% vào năm 2050. Tính dễ bị tổn thương do khí hậu ảnh hưởng đến hơn 74% dân số Việt Nam. Trong số đó, có những gia đình mất nhà do bão lũ, những trẻ em bị suy giảm sức khỏe trong giai đoạn đầu đời do tiếp xúc với ô nhiễm không khí từ phát thải điện than và các khí thải khác. Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ bạo lực gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng và thiên tai hoặc những người nghèo nhất, bị thiệt thòi nhất và dễ bị tổn thương nhất, những người không thể tránh khỏi việc bị tác động bở các hiểm họa khí hậu.

Theo ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao, BĐKH không chỉ là thách thức quốc tế mà còn là một trong những thách thức lớn trong hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước của Việt Nam. Khi nước ta thường xuyên đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán và những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng về cả số lượng và cường độ, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Những người có sinh kế phụ thuộc vào khí hậu, những người sống trong nghèo đói, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật lại chịu tác động nhiều nhất.

Vì vậy, với chủ trương lấy “nhân dân làm trung tâm, chủ thể”, Việt Nam quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với BĐKH. Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về BĐKH ở Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan đến BĐKH mà Việt Nam là thành viên.

z3603096632110_00c72ed45a4fccce003dec158c9c992b.jpg
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: UNDP

Tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam tham gia Nhóm Nòng cốt (cùng Philippines và Banglades) thúc đẩy các Nghị quyết hàng năm về BĐKH và quyền con người, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào quyền của từng nhóm cụ thể như: quyền trẻ em, quyền phụ nữ quyền người cao tuổi, quyền của người di cư… trong bối cảnh BĐKH. Các Nghị quyết này cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Mới đây nhất, tại Phiên họp lần thứ 50 vào tháng 7/2022, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết năm 2022 về BĐKH và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực, với đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, đây là cuộc đối thoại đầu tiên quy tụ Chính phủ, cộng đồng quốc tế và xã hội dân sự để thảo luận về mối liên hệ giữa BĐKH và quyền con người.

Cần chú trọng nguồn lực về con người

Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, những nguồn sinh kế và nguồn lực sản xuất này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mực nước biển dâng, bão nhiệt đới, lũ lụt và xâm nhập mặn. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực dễ bị tổn thương nhất với 40% diện tích có nguy cơ bị ngập vào năm 2200. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đến năm 2050, tổng thiệt hại kinh tế mỗi năm do BĐKH có thể lên tới 12 - 14% GDP của cả nước.

z3603096628358_acfb8fc3fb8d0f87a2a0d6579c0e9bda.jpg
Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: UNDP

BĐKH, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học là ba vấn đề khẩn cấp toàn cầu có tác động trực tiếp và nghiêm trọng tới hàng loạt quyền con người, bao gồm các quyền về lương thực, nước, giáo dục, nhà ở, sức khỏe và thậm chí, cả quyền được sống. Những cuộc khủng hoảng này có mối liên hệ mật thiết, mở rộng nhiều nguy cơ, khắc sâu thêm mâu thuẫn và bất bình đẳng có hệ thống, đẩy con người chìm sâu vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Bà Kanni Wignaraja nhận định cần triển khai cách tiếp cận toàn diện và lấy quyền con người làm cơ sở đối với hành động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, bà Pauline Tamesis cũng cho rằng, khi chúng ta thúc đẩy hành động vì khí hậu, chúng ta đang thúc đẩy quyền con người. BĐKH là một vấn đề nhân quyền và do đó, cách tiếp cận dựa trên quyền con người phải là trung tâm của giải pháp. Chúng ta phải thực hiện các bước đi chắc chắn trong các hành động về khí hậu để bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người thông qua lồng ghép quyền con người và quản trị hiệu quả vào các hành động và chính sách về khí hậu

Bên cạnh đó, sự cần thiết của việc tham gia ngày càng lớn và có ý nghĩa của tất cả các thành phần xã hội, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ khác nhau. Xã hội dân sự và cộng đồng là những đối tác quan trọng giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết tại COP26 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Đồng thời, việc tăng cường nhận thức và giáo dục về quyền con người và mối liên hệ của chúng trên tất cả các lĩnh vực phát triển ngay từ lứa tuổi học đường sớm nhất là điều rất cần thiết. Điều này sẽ khuyến khích mọi cá nhân bảo vệ các quyền của chính mình và của những người khác, nâng cao nhận thức chung, trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền trong mỗi cộng đồng.

z3603096625022_bb990a7474a00fe7e78fead75ad955fc.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: UNDP

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế vì ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy vấn đề quyền con người. Và triển khai các cam kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), trong đó, có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cũng như các cam kết theo các Công ước quốc tế về nhân quyền Việt Nam đã tham gia (ICCPR, ICESCR, CEDAW, CRC, CRPD). Nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng như việc triển khai thực hiện các cam kết về quyền tự do cơ bản của con người, bao gồm quyền tham gia và thông tin, minh bạch, trách nhiệm, bình đẳng và không phân biệt đối xử trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hoạt động bảo vệ người yếu thế trước biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO