Thừa Thiên Huế: Xóa “điểm đen” làng nghề gạch ngói Hương Vinh

24/11/2014 00:00

(TN&MT) - Từ 34 lò, làng nghề sản xuất gạch ngói thủ công ở Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) dần dần giảm còn 5 lò...

           
(TN&MT) - Từ 34 lò, làng nghề sản xuất gạch ngói thủ công ở Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) dần dần giảm còn 5 lò. Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất cầm chừng, đến nay, những chủ lò này đã cam kết chấm dứt hoạt động. Song, chủ cơ sở cũng như người lao động vẫn rất trông đợi được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
   
Từ lò nung cho đến những máy móc để làm gạch giờ trở thành đồ phế thải
   
Cam kết đóng cửa
   
  Kể từ năm 2003, làng nghề sản xuất gạch ngói xã Hương Vinh (Hương Trà) liệt vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Suốt từ đó đến nay, đã có nhiều lò sản xuất phải đóng cửa do không thể cạnh tranh với hàng loạt các cơ sở sản xuất gạch tuynel ra đời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
   
  Về lại thôn Thủy Phú, Triều Sơn Đông, nơi một thời phồn thịnh với nghề sản xuất gạch ngói thủ công truyền thống giờ đã trở nên vắng lặng. Nhiều lò nung đã “tắt lửa” hoặc bị phá bỏ. Bác Cao Trí, một trong những người gắn bó lâu đời với nghề sản xuất gạch ngói truyền thống ở Hương Vinh đã đóng cửa lò và chuyển sang kinh doanh cát sạn từ 3 năm nay. Bác Trí trò chuyện, thời đó, để đầu tư một lư lò, thiết bị phụ trợ... phải mất vài chục cây vàng, đến lúc phá bỏ chỉ còn đống gạch vụn. Hay chiếc máy đùn gạch mua mới hơn 30 triệu đồng, lúc bỏ nghề, bán lại chưa tới 3 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nghề mới, tuy thu nhập không bằng trước, nhưng được cái đảm bảo được môi trường trong sạch, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
   
Các lò gạch thủ công ở Hương Vinh đã ngưng hoạt động
    
   
  Mặc dù rất tiếc nuối vì một thời “vàng son”, làm nên ăn ra nhờ nghề này, nhưng một số chủ lò đã chấp hành Quyết định 64 và tự chuyển đổi nghề như hộ ông Phan Văn Ba, Nguyễn Thị Gái ở thôn Thủy Phú đã chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, trồng sen, làm đầu lân... Từ 34 lò sản xuất gạch ngói thủ công trên toàn xã, đến cuối năm 2013, Hương Vinh chỉ còn lại 5 lò hoạt động. 29 lò khác đã giải thể và chuyển đổi sang hoạt động các ngành nghề khác.
   
  Trước đây, bình quân một lò giải quyết việc làm cho khoảng 15 đến 20 lao động. Sau khi các lò ngưng sản xuất, số lao động này phải tự tìm kiếm việc làm mới để mưu sinh. Phần lớn chuyển sang các nghề như: phụ thợ hồ, thu gom chai bao, rửa túi ni lông... với mức thu nhập không ổn định và làm theo thời vụ. Số khác có điều kiện về mặt bằng, về vốn thì chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp, trồng sen cao sản...
   
  Anh Trần Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, sau khi UBND thị xã Hương Trà cho gia hạn, đến cuối tháng 8 vừa qua, 5 lò nung gạch còn lại đã ngưng sản xuất, đồng thời cam kết chấm dứt hoàn toàn hoạt động này. Tuy chấp hành nghiêm túc, nhưng hầu hết các hộ đều có nguyện vọng được hỗ trợ một số vốn để tự chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, hoặc tạo điều kiện về việc làm để ổn định thu nhập.
   
   
Chuyển đổi ngành nghề phù hợp
   
  Theo lộ trình xóa bỏ 9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 64, làng nghề sản xuất gạch ngói thủ công Hương Vinh là một trong ba cơ sở còn lại có tiến độ giải quyết chậm. Tuy nhiên, cùng với hướng xử lý của tỉnh, thị xã, các lò sản xuất gạch ngói từng bước được xóa bỏ, nhưng hàng trăm lao động vẫn canh cánh nỗi lo về công việc sau này.
   
  Ông Trần Đăng Khôi, chủ lò sản xuất gạch thủ công ở thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh cho hay, thời gian trở lại đây, nhiều người dân vẫn rất chuộng gạch nung thủ công, bởi tinh đất sét tốt, giá cả không cao. Vì thế, gạch sản xuất được chừng nào đều được bán hết. Tuy nhiên, chấp hành chủ trương chung nên các hộ sản xuất cam kết chấm dứt hoạt động. Song, nếu Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện về mặt bằng để chuyển đổi nghề thì sẽ gỡ khó phần nào cho các cơ sở giải thể.
   
  Theo anh Trần Quốc Thắng, trước đây, thị xã Hương Trà có chủ trương khuyến khích một số hộ chuyển đổi từ sản xuất gạch nung sang sản xuất gạch không nung với quy mô tập trung theo tinh thần Chỉ thị số 16 của UBND tỉnh về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, phương án này chưa được nhiều hộ sản xuất hưởng ứng. Bởi theo ý kiến của nhiều người, để sản xuất gạch không nung đòi hỏi phải có số vốn lớn, mặt bằng rộng, kỹ thuật, máy móc...
   
Nhiều chủ lò đã chuyển sang nghề mới như kinh doanh cát sạn, đúc bờ lô
    
   
  Một phương án khác cũng được xã Hương Vinh và thị xã đưa ra đó là chuyển đổi các vùng đất thấp trũng sang trồng sen cao sản kết hợp nuôi trồng thủy sản để giải quyết công ăn việc làm cho các hộ lò gạch sau khi giải thể. Hiện nay, có khoảng 7ha được đưa vào trồng sen cao sản. Nếu được mùa, thời tiết thuận lợi, bình quân 1ha sen cho doanh thu khoảng 70 triệu đồng. Tuy không cao so với nghề sản xuất gạch ngói, nhưng đây cũng là một trong những hướng chuyển đổi phù hợp.
   
  Ngoài những hướng chuyển đổi trên, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Phước Hiệp Thành chuyên sản xuất các mặt hàng đan lát bàn ghế nhựa xuất khẩu, doanh nghiệp may An Phát đã trao đổi và hứa sẽ hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho con em lao động tại các lò gạch nung và các hộ dân trong thôn Thủy Phú sau khi giải thể. Liên quan đến phương án này, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp mở rộng cơ sở sản xuất tại thôn Thủy Phú hoặc hợp đồng với các chủ lò gạch thuê nhân công, nhận hàng làm tại nhà.
   
  Tuy các phương án chuyển đổi ngành nghề được đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa giải quyết được tâm tư, nguyện vọng của những người bị ảnh hưởng. Dó đó, theo chỉ đạo của UBND thị xã Hương Trà, để sớm xóa bỏ hoàn toàn điểm đen ô nhiễm môi trường tại làng nghề gạch ngói Hương Vinh và đảm bảo đời sống an sinh của người dân, UBND xã Hương Vinh cần phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án chuyển đổi ngành nghề, phù hợp với nhu cầu của từng trường hợp liên quan.
   
                                                                     Bài & ảnh: Xuân Giang
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Xóa “điểm đen” làng nghề gạch ngói Hương Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO